- GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng cần bóc trần ngay mục đích chính của đơn vị trình dự án.
Thưa ông, khi cân đối tỷ lệ vốn của chủ đầu tư bỏ ra, Bộ KH-ĐT đã đặt dấu hỏi, nhưng tại sao họ vẫn đồng ý để trình Thủ tướng dự án này?
Bởi vì họ nói rằng đây mới chỉ là tờ trình xin chủ trương đầu tư, nhưng quên mất rằng, Bộ KH-ĐT đã hiểu sai. Trong trình tự xây dựng cơ bản được Thủ tướng Phan Văn Khải đề ra, và đến nay tất cả các bộ ngành vẫn thực hiện, bước đầu phải lập quy hoạch, thì cái này (dự án của chủ đầu tư Xuân Thiện – PV) không có quy hoạch.
Dẫn chứng: Không có quy hoạch thủy điện ở sông Hồng nên mục đích này đã bị phản đối ngay. Còn ngành thủy lợi cũng không có quy hoạch về thủy lợi trên sông Hồng.
Trường hợp nếu có quy hoạch thì phải có tính khả thi mới được lập kế hoạch; sau lập kế hoạch mới lập đề án để khảo sát. Dự án này đi ngược hoàn toàn quy trình. Chính đi ngược hoàn toàn nên Bộ KHĐT không thể đệ trình dự án này lên Chính phủ. Đó là chưa nói đến tính khả thi của dự án.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung |
Nhưng không phải Bộ KH-ĐT không biết đến quy trình, trình tự để lập một dự án, thưa ông?
Có thể Bộ KH-ĐT không nắm được quy hoạch sông Hồng, hoặc là họ nắm mù mờ. Ngay trong ngành nông nghiệp của chúng tôi, các thế hệ lãnh đạo trẻ kế cận nhiều khi cũng không nắm được. Hay thậm chí, tính khả thi của dự án họ cũng không tính được.
Chủ đầu tư Xuân Thiện không thể tường trình được khi bị chất vấn, vì nếu tường trình sẽ để lộ ngay bản chất, mục đích của anh ta không phải thủy điện hay giao thông thủy, mà chính là khai thác khoáng sản, cát sỏi trên sông Hồng, sau đó thì anh ta chuyển nhượng dự án.
Cũng như các thủy điện tư nhân của ta, họ khẳng định sẽ làm 50-60 năm. Nhưng thực tế, những doanh nghiệp làm thủy điện nói với tôi chỉ sau vài ba chục năm, sau khi hoàn vốn là họ lại chuyển nhượng lòng vòng cho chủ khác. Bởi sau vài ba chục năm, dòng chảy bị bôi lắp, máy móc khấu hao, chi phí vận hành sẽ rất tốn kém. Người ta chuyển nhượng đi.
Việc đó về mặt doanh nghiệp họ được phép, nhưng liệu dự án này chuyển nhượng đi vào tay nước ngoài, liệu VN sẽ làm gì bởi theo luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, các thủy điện được phép chuyển nhượng. Đó là những hệ lụy an ninh.
Lấy ví dụ BigC, họ chuyển nhượng cho Thái Lan, chúng ta cũng không làm gì được. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần bóc trần ngay mục đích chính của đơn vị trình dự án.
Sông Hồng là yết hầu của đồng bằng, nếu chuyển nhượng cho nước ngoài, đến khi Chính phủ muốn mua lại người ta có thể nâng giá lên hàng ngàn tỷ USD, liệu chúng ta có chấp nhận được không?
GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng cần bóc trần ngay mục đích chính của đơn vị trình dự án trên sông Hồng. Ảnh: Phạm Hải |
Về hình thức BOO như chủ đầu tư đề xuất, đặt vấn đề sông Hồng như một thực thể, đó là giá trị chung của cả xã hội. Vậy chúng ta có đủ niềm tin để giao sông Hồng cho một đơn vị tư nhân không?
Với những dự án mà tầm ảnh hưởng rất lớn như thế này, nếu khai thác thủy điện thì phải do tập đoàn EVN, hay nói cách khác, sông Hồng chỉ Nhà nước được đứng ra khai thác, không một tập đoàn tư nhân nào được phép khai thác.
Sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, chính phủ TQ đứng ra khai thác chứ không để cho tư nhân, mặc dù TQ có rất nhiều những doanh nghiệp siêu mạnh. Sông Đa-núyp cũng do liên minh các nước khai thác chứ không giao tư nhân.
Ngăn sông Hồng ở thượng du và trung du, hạ du sẽ mất nước. Coi nước là tài sản, là một nguyên liệu phục vụ giao thông thủy và thủy điện, chủ đầu tư lấy nước ở hạ du thì đương nhiên sẽ phải trả tiền cho hạ du xét theo bài toán kinh tế?
Theo tôi biết, trên thế giới chưa có tiền lệ. Bài toán kinh tế này bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, nhưng sinh thái không đổi được. Anh có thể bán cái này để đổi cái kia được, nhưng sinh thái ở hạ du sẽ chết.
Không thể coi đây là bài toán kinh tế được, mà là bài toán môi trường. Không thể đánh đổi lấy nước vùng này cho vùng khác được, huống chi lại lấy nước hạ lưu để giữ ở thượng lưu, như thế hạ lưu sẽ chết.
Thưa ông, mặc dù dự án này đang được trình lên Thủ tướng nhưng nhiều bộ ngành đã đồng ý?
Trong tờ lấy ý kiến, Bộ NN&PTNT không phải là đồng ý. Bộ chỉ góp ý theo thông lệ về dự án, về những vấn đề gì liên quan tới Bộ quản lý. Bộ đề nghị xem lại nước trong mùa kiệt, đề nghị xem lại hai bờ sông khi mà nước cạn sẽ xói lở…
Nhưng chủ đầu tư đã lợi dụng bản góp ý này. Bộ NN&PTNT lẽ ra phải đề chữ “phản đối” trong bản lấy ý kiến chứ không thể đưa ý kiến đóng góp theo thông lệ.
Dự án này không thể chỉ lấy ý kiến bộ ngành. Nó liên quan đến sinh mạng của hàng chục triệu dân, nên phải lấy ý kiến nhân dân ở diễn đàn Quốc hội.
Còn Bộ TN&MT, thưa ông?
Lâu nay, sông Hồng không do Bộ TN&MT lập quy hoạch. Họ chỉ lập quy hoạch thủy điện, còn quy hoạch sông này chính là Bộ Thủy lợi (cũ). Khi Bộ Thủy lợi sáp nhập thành Bộ NN&PTNT, vai trò này bị lu mờ.
Bây giờ, Bộ NN&PTNT trước khi trả lời bản lấy ý kiến phải đọc lại bản quy hoạch xem thử lượng nước cấp cho hạ du bây giờ thiếu bao nhiêu, lấy từ đâu ra. Những người có chuyên môn giỏi bây giờ đã nghỉ hưu hết cả, không còn nhiều. May mắn là Bộ Công thương phản đối nội dung khai thác thủy điện của dự án này.
Kiên Trung