Các sản phẩm công nghệ ngày càng đắt đỏ. Giá bán của những thiết bị phổ biến như smartphone, laptop liên tục tăng. Người dùng sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho một chiếc iPhone hoặc điện thoại cao cấp của Samsung.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là số tiền khổng lồ đó vẫn chưa giúp bạn sở hữu hoàn toàn thiết bị công nghệ. Trong một số trường hợp nó chỉ là một cục nhựa vô dụng.
Theo How To Geek, các công ty luôn có cách lách qua quy định, duy trì quyền kiểm soát sau khi bán sản phẩm. Chính việc này khiến cho người dùng không thực sự sở hữu công nghệ dù đã tiêu tốn rất nhiều tiền.
Tầm quan trọng của các điều khoản và điều kiện
Thoạt nhìn, có vẻ một cuộc mua bán trong thế giới công nghệ cũng diễn ra đơn giản. Bạn trả một số tiền và nhận về sản phẩm. Giờ đây, món đồ thuộc quyền sở hữu của người dùng. Nhưng một khi bạn làm trầy xước nó, mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Người dùng thường đồng ý với các điều khoản và điều kiện mà không đọc nội dung bên trong. Ảnh: Howtogeek. |
Khi thiết lập lần đầu hoặc cập nhật lại thiết bị, nhà sản xuất thường đưa ra những điều kiện, điều khoản dài. Đa số mọi người sẽ chọn đồng ý để tiếp tục mà không đọc qua những nội dung quan trọng.
Có nhiều vấn đề phát sinh sau đó. Một số điều khoản, điều kiện buộc người dùng phải tuân thủ quy định do nhà sản xuất đưa ra, đôi khi không phù hợp với luật pháp sở tại. Vì vậy, toàn bộ hợp đồng giữa 2 bên sẽ vô hiệu.
Bạn cũng có thể vô tình đồng ý cung cấp cho nhà sản xuất những thông tin quan trọng, quyền sử dụng dữ liệu cá nhân; cho phép họ xóa, thu hồi các nội dung bạn đã trả tiền, thậm chí cho phép họ khóa thiết bị của mình một cách vô điều kiện.
Khả năng kiểm soát thông qua phần mềm
Nếu bạn mua một món hàng đơn giản, chẳng hạn cây búa, nhà sản xuất sẽ không nói gì về những thứ được phép làm với nó. Họ cũng không có cách kỳ lạ nào đó để kiểm tra việc bạn dùng búa đúng hướng dẫn hay chưa.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ lại dễ dàng duy trì quyền kiểm soát đối với sản phẩm sau khi bán ra, thông qua phần mềm. Khi mua điện thoại, người dùng thường nghĩ đến các linh kiện vật lý như camera 32 MP, bộ xử lý Snapdragon, RAM 8 GB… Họ sẽ sở hữu những thứ này, nhưng bản thân chúng không thể hoạt động như một smartphone hoàn chỉnh.
Các sản phẩm bạn thật sự nhận được khi tiêu tốn cho một món hàng cụ thể, từ smartphone, laptop đến TV, đều nằm dưới quyền kiểm soát của công ty tạo ra phần mềm vận hành chúng.
Điều này diễn ra không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Apple duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với thiết bị, trong khi các nhà sản xuất điện thoại Android có xu hướng cởi mở hơn.
Nhưng quan trọng nhất là người dùng không có quyền sở hữu phần mềm đang chạy trên thiết bị. Họ chỉ được sử dụng nó. Tuy nhiên, các điều khoản có thể thay đổi bất kỳ lúc nào theo ý muốn của công ty cung cấp.
Cục chặn giấy đắt tiền
Điều gì xảy ra khi bạn cầm trong tay một thiết bị mà không thực sự sở hữu, không thể làm gì với nó? Trong một số trường hợp, đó chỉ là một khối nhựa và kim loại vô dụng, đắt tiền.
Oculus Quest 2 là ví dụ điển hình về quyền kiểm soát quá lớn của các công ty sau khi bán ra sản phẩm. Ảnh: Meta. |
Ví dụ điển hình là kính thực tế ảo Oculus Quest 2. Gần đây, Meta yêu cầu người sử dụng thiết bị trị giá 399 USD này phải liên kết nó với một tài khoản Facebook đang hoạt động. Họ xác định đó là tài khoản duy nhất, mọi thay đổi trên tài khoản này sẽ liên quan trực tiếp đến Oculus Quest 2.
Do đó, nếu vô tình tài khoản người dùng bị khóa vĩnh viễn hoặc xóa, thư viện game cùng quyền truy cập vào chiếc kính trị giá 399 USD cũng mất theo.
Mọi thứ còn tồi tệ hơn với những chủ sở hữu Oculus Quest đời đầu. Thiết bị được bán ra trước thời điểm Meta buộc kết nối kính với tài khoản Facebook, nhưng sau đó công ty yêu cầu họ phải làm việc này trước thời hạn tháng 1/2023 nếu không sẽ mất quyền truy cập.
Gần đây, Meta đã bỏ điều kiện kết nối tài khoản Facebook với Oculus Quest, nhưng ví dụ trên cũng cho thấy quyền kiểm soát quá lớn của doanh nghiệp đối với sản phẩm họ đã bán ra. Người dùng hoàn toàn ở trong thế bị động.
Người dùng không thể làm gì với iPhone
Với một chiếc máy cắt cỏ hoạt động hoàn toàn bằng cơ học, khi nó bị hỏng, bạn có thể đến cửa hàng bán linh kiện, mua những bộ phận thay thế. Có nhiều lựa chọn, cho phép người dùng cân nhắc giữa giá thành và chất lượng. Họ có thể mua và sửa chữa máy một cách dễ dàng.
Apple muốn kiểm soát hoàn toàn việc sửa chữa iPhone. Ảnh: Howtogeek. |
Với iPhone, mọi thứ không diễn ra đơn giản như vậy. Nếu bạn không mua linh kiện chính thức từ Apple, sau khi thay thế chức năng của máy có thể bị giảm. Linh kiện bạn mua giống với sản phẩm do Apple cung cấp về mọi mặt, nhưng khi điện thoại phát hiện ra nó đến từ nguồn khác, công ty sẽ chặn.
Trong nhiều năm, Apple luôn tìm cách ngăn người dùng sửa chữa thiết bị bên ngoài hệ thống do họ vận hành. Thời gian gần đây, mọi việc có vẻ thay đổi theo hướng tích cực hơn. Apple đã đưa ra chương trình sửa chữa tại nhà, giúp khách hàng có thể tự sửa iPhone.
Tuy nhiên, quyền này vẫn chỉ được cung cấp hạn chế, nhỏ giọt. Người dùng chỉ có thể thay thế một số linh kiện nhất định của Apple, với bộ công cụ độc quyền được họ cho thuê.
Đã đến lúc thay đổi
Trong tương lai, mọi thứ có thể thay đổi trên quy mô lớn. Đa số quốc gia ở châu Âu và Mỹ ngày càng đề cao việc thực thi quyền sửa chữa. Quy định trong vấn đề này được siết chặt hơn, buộc các ông lớn công nghệ (bao gồm Apple) phải thỏa hiệp.
Cần thời gian để các quy định pháp luật được thực thi nghiêm túc. Ngay lúc này, người dùng có thể chọn những sản phẩm cung cấp quyền kiểm soát cao hơn. Trên thị trường đã có một số doanh nghiệp bán thiết bị tùy biến dễ dàng.
Laptop của Framework mang đến trải nghiệm thay thế, sửa chữa, linh kiện tương tự máy tính để bàn. Người dùng có thể tự đổi thành phần của máy khi bị hỏng hoặc muốn nâng cấp.
Ý tưởng này không giới hạn trên máy tính. Điện thoại module cũng đã xuất hiện. Fairphone là ví dụ điển hình. Thiết bị này là một smartphone hiện đại nhưng có thể sửa chữa, nâng cấp dễ dàng.
(Theo Zing)