Mở rộng
 
Một năm trở lại đây, các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng. 

Sau khi đồng loạt khai trương 3 trung tâm mua sắm tại Hà Nội, Uniqlo công bố khai trương cửa hàng mới tại Thiso Mall, ngay trung tâm Thủ Thiêm (TP.HCM). Trong 3 năm có mặt tại Việt Nam, Uniqlo có 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Dù vào muộn hơn, nhưng tốc độ mở các điểm bán hàng mới của Uniqlo đáng kinh ngạc, hơn hẳn các thương hiệu bán lẻ thời trang khác. Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Uniqlo.

MUJI vừa khai trương cửa hàng mới tại quận 7 (TP.HCM), nâng tổng số chi nhánh tại Việt Nam lên 4. Thành lập năm 1980, MUJI là công ty bán lẻ Nhật Bản có hơn 1.000 cửa hàng toàn cầu.

Thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều tiềm năng. (Ảnh: Duy Anh)

Đầu tháng 11/2022, Thiso (thành viên của Thaco) đưa vào hoạt động siêu thị Emart Sala, thành phố Thủ Đức. Đây là siêu thị thứ hai của thương hiệu bán lẻ đến từ Hàn Quốc này đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn Savills Việt Nam, cho biết, một số thương hiệu xa xỉ và cao cấp mới như Berluti, Cartier, Victoria’s Secret, Urban Revivo... đang bước vào thị trường. Các chuỗi bán lẻ lớn như Haidilao, Central Group... cũng đẩy mạnh quá trình mở rộng tại Việt Nam.

Nhiều nhãn hàng mới đang gia nhập thị trường thông qua bán trực tuyến trước khi mở các cửa hàng như Sephora, Perfect Diary và Maje.

Điểm sáng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng 
các năm 2018-2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Ông Neil MacGregor cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn có những chỉ số về nhân khẩu học lạc quan. Đây là động lực thúc đẩy chi tiêu trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về nhà ở, chi tiêu bán lẻ, tăng trưởng... Savills dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong hai thập kỷ tới. Dân số và lực lượng lao động sẽ tiếp tục phát triển trong khoảng thời gian đó.

Ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty tư vấn quốc tế Savills, đánh giá, thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn tại Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đã có mặt tại những thị trường này. 

Từ các hãng bình dân như H&M, Zara đến những nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Dior đều có 5 đến 6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng 1 đến 2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam và mở rộng thị trường.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, nhận định, năm 2023 ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch.