Ông Danh được Tòa đánh giá là người “dám nghĩ dám làm”, đã đưa ra những quyết sách “vì sức khỏe người dân” và nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á nên miễn trách nhiệm hình sự.

Chiều qua, bên ngoài Tòa án, ông nói với báo chí: "Khi bị khởi tố, lúc đầu tôi tuyệt vọng, hoang mang nhưng niềm tin thì vẫn có nên không có hành động tiêu cực. Tôi suy nghĩ mình đã cống hiến, không có mục đích, động cơ trục lợi nào khác. Khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát hoặc lúc xét xử thì rõ ràng tôi thấy, mình làm đúng thì sẽ được bảo vệ. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào pháp luật, trong hoàn cảnh đặc biệt chắc chắn pháp luật sẽ cho phép thôi".

"Tôi không ân hận, rõ ràng tôi làm vì sức khoẻ, vì tính mạng người dân. Tôi quan niệm rằng chống dịch như cuộc chiến chống giặc, phải có niềm tin...”.

thanh danh.jpg
Ông Danh được Tòa đánh giá là người “dám nghĩ dám làm”, đã đưa ra những quyết sách “vì sức khỏe người dân” và nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á

Có lẽ đây là bị cáo duy nhất trong vụ án Việt Á được nhiều người quan tâm, theo dõi với sự trân trọng, yêu quý bởi phẩm cách kiên định trước đồng tiền mà ông đã thể hiện trong đại dịch Covid-19. Nhân cách đó giống như “lửa thử vàng”, không bị sa đọa trước cám dỗ tiền bạc.

Đã làm đơn xin nghỉ hưu, nhưng khi đại dịch xảy ra, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, ông được yêu cầu ở lại và ông đã đồng ý. Suốt thời gian đại dịch, ông đã làm hết sức mình để chống dịch, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng nhân dân.

Sự cao quý của ông chỉ được nhìn rõ hơn nếu biết rằng vào giữa những ngày dịch bùng phát mạnh mẽ nhất ở phía Nam, đã có những nhân viên y tế không chịu nổi sự căng thẳng, hy sinh, đã bỏ việc.

Trong bối cảnh dịch quây tứ bề, Bình Dương lại là nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao là rất lớn, ông Danh đã là người “dám nghĩ dám làm” để đưa ra những quyết sách “vì sức khỏe người dân” như Toà đã ghi nhận.

Ngay từ đầu, CDC Bình Dương đã chỉ xin tham gia phòng, chống dịch mà không xin tham gia tổ chức đấu thầu do không có chuyên môn, kinh nghiệm về đấu thầu, nhưng không được chấp nhận.

Và CDC Bình Dương phải mua kit xét nghiệm của Việt Á ở tình thế bắt buộc vì có chủ trương của cấp trên, hơn nữa, 2/7 máy xét nghiệm mà CDC Bình Dương được tặng, chỉ dùng được kit của Việt Á. Nếu khi ấy ông Danh không “xé rào” để vay test kit, sinh phẩm của Việt Á, mà đến nay đã được xác định là có hiệu quả trong xét nghiệm, hẳn dịch bệnh ở Bình Dương đã không diễn ra hạn chế như vậy.

Ông đã thực hiện rất đúng chủ trương của Chính phủ khi đó là “chống dịch như chống giặc”, một mệnh lệnh thời chiến, nên việc “xé rào” vì mục tiêu cuối cùng là cứu con người không chỉ cần cảm thông mà phải được chấp nhận. Bởi khi đó, không có nguyên tắc, lý lẽ nào bằng sinh mạng con người. Ông đã thực hiện đúng với lương tâm của một người thầy thuốc mang trong mình lời thề Hippocrates…

Điều khiến ông trở thành bị cáo đặc biệt nhất trong phiên xử này khi được cộng đồng yêu thương, trân quý, chính là dù đã nhiều lần nhân viên Việt Á đưa tiền, nhưng ông đều từ chối và cuối cùng, ông đã không nhận một đồng của Việt Á đưa. Rõ ràng, ông là một người liêm khiết, một nhân cách đáng kính trọng.

Giờ đây, ông có quyền ngẩng cao đầu vì những cống hiến, hy sinh tận tuỵ hết mình cho cộng đồng.

Trong bối cảnh “đám mây Việt Á” bao trùm ngành y đằng đẵng thời gian qua, thì những gì ông Danh "khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể lung lay” đã như một tia nắng ấm gột rửa bớt những u ám giăng giăng, để công chúng thấy rằng, giữa những sâu mọt, vẫn có những viên ngọc toả sáng.

Một con người hy sinh vì công việc, đứng vững trước sự cám dỗ của những “viên đạn bọc đường” như ông Nguyễn Thành Danh rất hiếm và rất quý. Đó mới thực sự là một đại diện tiêu biểu của ngành y trong giai đoạn cam go của đại dịch, một tấm gương mà ngành y tế cần nhân rộng.

Khi đen - trắng đã rõ ràng, công lao của ông đã được Toà án ghi nhận là “dám nghĩ dám làm vì sức khỏe người dân”, thì giờ đây, chính quyền tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế cần khen thưởng cho ông Danh. Đó vừa là đạo lý vừa là pháp lý.

Bởi, Điều 4.1 Nghị định 73/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nêu rõ: “Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ."

Sự tri ân với ông Nguyễn Thành Danh không chỉ là niềm an ủi, động viên cá nhân ông, mà còn để về sau, mỗi khi có dịch bệnh, các thầy thuốc an tâm sẵn sàng lên tuyến đầu cống hiến và dám nghĩ dám làm vì sức khoẻ và sinh mạng của người dân.

Thanh Hằng  

Công - tội phân minhTrong các vụ đại án được đưa ra xét xử gần đây, chuyện luận công - tội của các bị cáo luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều bị cáo khi khai báo trước tòa đều kể lể, liệt kê công lao, thành tích trong quá trình công tác và mong tòa xem xét giảm án.