Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 mở màn bằng tọa đàm Từ bản lĩnh đến bản sắc. Sự kiện thu hút đông đảo giới văn chương và những người yêu mến thơ ca.

Đi tìm bản lĩnh của nhà thơ

Nhà thơ Đặng Huy Giang mở màn bài tham luận về chính chủ đề của toạ đàm - bản lĩnh của nhà thơ. Ông cho rằng, đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh đến mức tuyệt đối. Bản lĩnh đòi hỏi người viết tuyệt đối không chạy theo người khác, không giống người khác. Chính nhờ bản lĩnh mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập.

z5188975976113 efc0d7b0f951acbbc6410722ed0db291.jpg
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 mở màn bằng tọa đàm 'Từ bản lĩnh đến bản sắc'. 

Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, nếu không có bản lĩnh, chắc chắn ở thời kỳ đổi mới, Liên Xô cũ sẽ không có tiểu thuyết Trái tim chó, Những đứa con phố Arbat, tập thơ Sợi dây thần kinh của Bulgakov, Rybakob, Vyxotxki và một số tác phẩm khác mới được công bố và thừa nhận. Những tác phẩm này vẫn được các tác giả viết trước đó, ở thời kỳ có nhiều thứ bị cấm kỵ và trói buộc.

"Có một thời, không ít nhà thơ bỏ sở trường, chạy theo sở đoản. Vốn viết thơ tình rất hay, nhưng lại xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu... cho hợp thời. Rồi thơ sản xuất, chiến đấu... cũng chẳng đâu vào đâu và trở nên bất cập. Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh…", nhà thơ Đặng Huy Giang thẳng thắn nêu quan điểm.

Ông chốt lại: "Nên nhớ, bản lĩnh của người viết chỉ được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài".

Trong khi đó, quan điểm của Nguyễn Bình Phương về bản lĩnh của nhà thơ lại là: "Khả năng biết khước từ cái cũ, lối mòn và biết khước từ với những gì không phù hợp với chính mình như số đông, tính thời thượng".

Ở khía cạnh khác, ông quan niệm bản lĩnh là khả năng biết chấp nhận cái khác. Có bản lĩnh mới tạo nên bản sắc mà nhất là trong thời đại hiện nay, trí tuệ nhân tạo bắt đầu len lỏi và làm thay con người thì việc nhà thơ có bản sắc là điều vô cùng quan trọng.

Bản lĩnh phụ thuộc vào vốn sống và tài chính

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, bản lĩnh là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, đó là một phẩm chất đặc biệt phải mài giũa, trui rèn, thử thách qua thời gian.

"Ở một góc nhìn sâu xa hơn, bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Nếu thiếu hai yếu tố này, bản lĩnh ấy khó mà thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thi ca đích thực", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ.

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, bản lĩnh nhà thơ nằm ở sự kiên định, bền bỉ với các sáng tác tiếp theo của mình, ở nỗ lực đẩy đi xa hơn những thể nghiệm để tạo ra cách diễn đạt khác, làm nên sự phong phú trong cách hình dung và truyền tải tinh thần của sự vật, con người, những diễn biến trong đời sống được nhắc đến trong ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ giao tiếp thông thường.

Khẳng định việc bám rễ vào văn hóa của dân tộc mình để sáng tác thơ ca sẽ tạo ra bản sắc riêng, nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) cho biết đã lựa chọn nói và viết bằng tiếng nói hồn cốt của người Mường, sáng tạo nên những giá trị mới, làm giàu vốn ngôn ngữ truyền thống trong tác phẩm. Do đó, phần lớn các bài thơ của chị đều nói bằng tiếng Mường nhưng phát triển ở tầm cao bằng các giá trị học thuật nghề nghiệp. Các bài thơ ấy đã mang tính thời đại, thoát ra khỏi những giá trị dân gian ban đầu mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.