Với chủ đề là Nhịp điệu mới, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 mong muốn thể hiện thông điệp hướng tới tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp khi đất nước vượt qua đại dịch thế kỷ, cuộc sống trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới cùng sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, dưới sự chủ trì của Hội Nhà văn Việt Nam và đồng tổ chức của Hoàng thành Thăng Long, toàn bộ hoạt động của Ngày thơ Việt Nam được thiết kế và dàn dựng bởi ê-kíp sáng tạo gồm: Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, phụ trách mỹ thuật - họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Đình Nguyên. 

Nhà thơ Hữu Việt, Nguyễn Quang Thiều, Lê Quý Dương tại buổi họp báo.

Sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam thay vì diễn ra vào buổi sáng, sẽ tổ chức vào đêm rằm (tức ngày 5/2/2023) để tăng hiệu quả âm thanh, ánh sáng và tính sân khấu. Nhà thơ Hữu Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Trưởng Ban Nhà văn trẻ là người phụ trách toàn bộ kịch bản cho sự kiện.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là sự đổi mới, đột phá có tính chuyên nghiệp hơn bởi đã có sự đồng hành của ê-kíp chuyên nghiệp và nhiều tâm huyết.

Sau 18 năm tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam được diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long - Di tích quốc gia đặc biệt được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. 

Tổng đạo diễn chương trình - nhà thơ Lê Quý Dương cho biết, toàn bộ không gian của Hoàng thành Thăng Long sẽ là không gian của thơ, các nhà thơ là tâm điểm.

"Chúng tôi muốn biến Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội đón nhận những người yêu thơ, cả những người chưa yêu thơ và những người đang không thích thơ. Khi tới không gian của Hoàng thành Thăng Long, chúng ta đều sẽ có niềm yêu duy nhất, đó là thơ ca.

Đến Hoàng thành Thăng Long vào ngày rằm tháng Giêng là chúng ta đã lạc vào cõi thơ. Bước vào không gian cổng thơ, khách tham dự sẽ đi qua con đường thơ - quán thơ - cây thơ - nhà ký ức (nơi lưu giữ những kỷ vật của các nhà thơ) - sân khấu (đàn thơ)", Tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.

Theo đó, đường thơ sẽ giới thiệu 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam được viết trên giấy dó, tạo hình thành những chiếc quạt - cánh bướm. Cuối đường thơ, khán giả sẽ đến nhà ký ức - nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Bên cạnh nhà ký ức là quán thơ - nơi các nhà thơ, tao nhân mặc khách nhiều thế hệ sẽ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.

Song song với đường thơ, phía phố Nguyễn Tri Phương dự kiến sẽ có đường sách, với khoảng 40 ki-ốt dành cho các Nhà xuất bản, Công ty Văn hóa, phát hành sách; công chúng tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại.

Tại vị trí trung tâm, trước cửa Đoan Môn, sân khấu có diện tích khoảng 350m2 sàn, trong đó có 100m2 sàn bằng kính, được gọi là đàn thơ, sẽ diễn ra đêm thơ Nguyên Tiêu. Từ trên tường thành, hai tấm pano lớn sẽ được thả xuống, mỗi tấm pano chép bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên trái sân khấu là hai cây thơ, từ trên cành cao sẽ thả xuống những phong thơ, bên trong có những câu hỏi thú vị, đố vui kiến thức thơ dành cho bạn yêu thơ, người chiến thắng sẽ nhận được những phần quà thú vị từ Ban tổ chức.

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chủ trì tọa đàm Thơ hiện nay với hôm nay sáng 5/2. Buổi trưa từ 11h30-14h sẽ tiếp tục trình chiếu video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích trên hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn.

Buổi chiều từ 14h-17h, các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ sẽ diễn ra trong quán thơ; công chúng tham quan và giao lưu tại nhà ký ức thơ,..

Buổi tối, chương trình nghệ thuật chính của Ngày thơ Việt Nam với một sân thơ duy nhất dành cho các nhà thơ mọi thế hệ (mọi năm chia thành hai sân khấu) bắt đầu từ 19h-21h. 21 bài thơ, tác giả thơ sẽ xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.

Công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp theo là phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ; thế hệ nhà thơ sau 1975 đến thời kỳ đổi mới và cuối cùng là của các nhà thơ trẻ.

Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.