6h30 sáng, quán bún bò trên đoạn đường Đồng Nai (quận 10, TP.HCM) đã tấp nập thực khách ra vào. Bên cạnh món bún bò rất đỗi quen thuộc, chủ quán có một "đặc sản ăn kèm" được lòng thực khách, đó là chén thịt vét ninh nhừ, thơm béo. Rất nhiều vị khách vừa bước chân vào quán đã kêu món ăn kèm này.

"Món này mà không tới sớm thì không còn để ăn đâu", một khách ruột của quán cho biết.

W-bun-bo-thit-vet-1.jpg
Món thịt vét được khách ưa thích tại quán bún bò bình dân này

Chủ quán bún bò là chị Trần Thị Minh Phương (48 tuổi, TP.HCM). Chị Phương tiếp quản nghề bún bò truyền thống của gia đình chồng đã hơn 10 năm. “Khách đến quán rất chuộng món thịt vét vì thịt này mềm thơm, lạ miệng mà không bị ngấy”, cô con dâu gốc Thái Bình chia sẻ.

Theo lời chị Phương, thịt vét thực chất là phần thịt được tháo gỡ quanh những khúc xương bò hầm trong nồi nước dùng. Phần thịt này có sự kết hợp của thịt, mỡ, tuỷ nên tạo vị béo bùi, ngọt nhẹ và thơm ngon.

"Mỗi ngày mình hầm khoảng 100kg xương bò, nhưng phần thịt tách ra được chỉ khoảng 2-3kg thôi món này nhanh hết lắm. Món này khách gọi với nhiều tên khác nhau như xí quách bò, thịt vét, mỡ nổi, tuỷ bò...

Ở quán mình sẽ bán thịt theo chén, mỗi chén giá 10.000 đồng, khách sẽ gọi từng chén riêng để ăn kèm với bún bò”, chị Phương chia sẻ.

W-bun-bo-thit-vet-8-1.jpg
Chị Phương bán món bún bò đã hơn 10 năm

Mỗi chén thịt vét tại quán khá đầy đặn, rắc lên một ít rau tạo mùi thơm, sau đó chan lên phần nước dùng đậm đà. Phần thịt vét mềm, xen lẫn một ít mỡ có vị thơm ngon, chấm cùng nước mắm ớt cay cay, tạo cảm giác lạ miệng khiến nhiều khách thích thú.

Cũng theo chị Phương, trước đây chị từng tách lấy phần thịt này và chỉ tặng thêm cho khách chứ không bán. Tuy nhiên khách vô tình lại ấn tượng và nhiều người thường xuyên hỏi mua.

“Ban đầu mình chỉ định tặng khách cho vui vui vì nếu bỏ đi phần thịt đó thì phí, nhưng bất ngờ là khách thích, nhiều lần quay lại đều gọi thêm món này. Thấy rằng không đủ khả năng để tặng hoài nên mình nảy ra ý tưởng bán kèm món này", chủ quán chia sẻ.

W-bun-bo-thit-vet-9-1.jpg
Phần thịt nhừ, thơm béo chỉ 10.000 đồng rất được lòng thực khách

Mỗi ngày quán hầm khoảng 100 kg xương bò trong nồi nước dùng khoảng 300 lít. Phần xương được hầm liên tục từ 10 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Nguyên liệu tại quán đa dạng các loại như: giò heo, giò nạc, giò gân, chả bò, chả cua, bò nạm, bò viên, thịt tái… Mỗi tô bún sẽ có giá dao động từ 35.000 đồng – 60.000 đồng, tuỳ theo đồ ăn kèm khách gọi.

“Quán mở từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều mỗi ngày, tô bún bò cũng có các nguyên liệu tương tự những quán khác nhưng mình bán với giá bình dân một chút. Phần lớn khách sẽ ăn tô loại vừa, dao động từ 35.000 – 40.000 đồng vì mức này vừa phải, đủ no bụng.

Giò heo, thịt bò hay gân bò đều là mình đến tận lò mổ lấy về bán nên vì thế mức giá sẽ tốt hơn. Hơn nữa vì là mặt bằng quán của gia đình nên không tốn kém nhiều”, chị Phương tâm sự.

W-bun-bo-thit-vet-4-1.jpg
Tô bún bò đầy đặn có giá 35.000-40.000 đồng

Dù quán có không gian khá thông thoáng, rộng rãi, thế nhưng lượng khách đông nên thời gian cao điểm sáng, trưa có thể hết bàn. Chị Phương kể, có những khách nước ngoài còn là “mối” lâu năm của quán.

Ngọc Hà (sinh năm 2001, quận 5) chia sẻ: “Mình là người cực thích món bún bò, nước dùng ở quán vừa ăn, giá cả cũng phù hợp với sinh viên như mình. Đặc biệt xí quách ở đây thì mềm, thơm và béo nên ăn dễ ghiền lắm”.

Theo lời nhiều thực khách, ngoài phần nước dùng đậm đà, nguyên liệu đa dạng hay giá thành phải chăng, chính phần thịt vét tại quán đã giúp món bún bò trở nên đặc biệt.

W-bun-bo-thit-vet-6-1.jpg
Thực khách ngồi kín các dãy bàn từ trong ra bên ngoài quán bún

Không chỉ "được lòng” những bạn trẻ như Ngọc Hà, món bún bò của chị Minh Phương còn níu chân những thực khách lớn tuổi, những người lao động trong khu vực.

"Tôi ăn bún bò ở đây cũng 3-4 năm rồi. Tô bún đầy đặn, bắt miệng. Đồ ăn thì đa dạng mà còn sạch sẽ, nước dùng đậm đà. Đặc biệt là phần nước chấm khá vừa vị. Ngoài việc không gian hơi hạn chế thì mọi thứ đều ổn”, anh Nam, một thực khách quen của quán chia sẻ.

W-bun-bo-thit-vet-5-1.jpg

Bài và ảnh: Như Khánh