Từ một bản đặc biệt khó khăn “5 không”, giờ đây bản Nàng 1 đã có một diện mạo đổi khác, tạo điểm nhấn sinh động cho bức tranh đại ngàn miền Tây xứ Thanh. Bản cũng đã và đang tiếp tục phấn đấu theo hướng xây dựng bản NTM nâng cao và bản NTM kiểu mẫu.

Bản Nàng 1 nằm dọc theo con sông Mã; lưng dựa vào đỉnh núi Hin Ca sừng sững. Địa thế của bản chủ yếu là đồi núi, độ dốc tương đối cao, bị chia cắt mạnh bởi các con suối lớn nhỏ khác nhau, trong đó suối Nàng là lớn nhất, phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân. Cũng do đặc điểm địa hình, nên việc canh tác lúa của người dân được thực hiện ngay tại vị trí tương đối bằng phẳng, dọc tuyến suối Nàng.

{keywords}
Bản Nàng 1 đã được công nhận bản NTM.

Trước khi xây dựng NTM, Nàng 1 nằm trong danh sách bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi của Chính phủ, với “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không sóng điện thoại. Trình độ dân trí, nhận thức về xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, ngành nghề dịch vụ chưa phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 16,1%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh mới đạt 10%; cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt chuẩn theo quy định...

Trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chương trình. Ý thức được điều này, UBND xã Mường Lý và ban quản lý bản Nàng 1 đã thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Theo đó đã tập huấn kỹ thuật quy trình chăn nuôi cho 17 hộ được hỗ trợ bò từ các chương trình dự án, như: Chương trình 30a, Chương trình 135 và Viettel. Phối hợp với Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn hỗ trợ cho các hộ dân trong bản theo dự án sinh kế. Ngoài ra, bản còn động viên, hướng dẫn chỉ đạo Nhân dân trồng, chăm sóc bảo vệ hàng trăm ha rừng, phát triển chăn nuôi, tăng năng suất, sản lượng và đàn vật nuôi. Chính vì vậy, năng suất, sản lượng các loại vật nuôi tăng, đàn bò tăng từ 200 con lên 300 con; đàn lợn từ 300 con lên 500 con; đàn gia cầm từ 1.700 lên 2.500 con.

Đi đôi với phát triển sản xuất, xã cùng với bản tích cực đẩy mạnh phát triển ngành nghề dịch vụ, như: dệt thổ cẩm, may, thêu, mở hàng quán kinh doanh dịch vụ cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm của bản đã đạt 100%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) còn 5%. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, hầu hết các hộ dân trong bản đã xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang các công trình phục vụ dân sinh; chuồng trại chăn nuôi; trồng cây xanh nơi công cộng... Kết quả tổng vốn huy động xây dựng NTM của bản đạt gần 3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 950 triệu đồng, Nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng.

Sau chưa đầy 1 năm triển khai thực hiện (đầu năm 2017 đến cuối tháng 8-2017), bản Nàng 1 đã được công nhận bản NTM. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh dịch vụ ngành nghề nông thôn; nông thôn phát triển theo quy hoạch; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, trình độ dân trí nâng lên; môi trường sinh thái được bảo vệ; sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được tăng cường, quốc phòng – an ninh đảm bảo, trật tự an toàn xã hội giữ vững, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Hồng Nhì
Ảnh: Vĩnh Sang