Trong Counter-Strike (và có lẽ là trong các trò bắn súng góc nhìn thứ nhất nói chung), thứ khó chịu thứ nhì, chỉ đứng sau những kẻ suốt ngày núp một chỗ cầm súng bắn tỉa rình mò chính là quả lựu đạn gây choáng. Khi bạn “ăn trọn” một quả lựu đạn gây choáng này, màn hình của bàn sẽ trở nên trắng xóa (mà thuật ngữ tự gọi với nhau gọi là “mù đặc”), một âm thanh lớn sẽ rít lên và thông thường khi “tỉnh lại”, thì bàn đã nằm đo sàn rồi.
Lựu đạn gây choáng – stun grenade hay còn gọi là flashbang (vì vừa tạo ra ánh sáng chói – flash mà lại vừa nổ lớn điếc tai – bang) là một thiết bị không nhằm mục đích gây sát thương cho đối phương, mà nhằm vô hiệu hóa hai giác quan chính của kẻ địch là mắt và tai. Nó có thể tạo ra một ánh sáng làm mờ mắt và một tiếng nổ đinh tai lên tới 170 dB, lần đầu tiên lựu đạn choáng được sử dụng là hồi cuối những năm 1970 bởi đơn vị đặc nhiệm SAS của Anh.
Thông thường, một quả flashbang chứa magiê, hỗn hợp bột nhôm và potassium perchlorate (kali peclorat). Khi mà chốt được kéo, một kíp đốt có thời gian 4 giây sẽ được kích hoạt, đốt cháy lượng hóa chất có trong quả lựu đạn. Tuy rằng đây là một phản ứng hóa học gây nổ, nó không gây sát thương mạnh như lựu đạn nổ thông thường, mà chỉ gây ra một phản ứng hóa học bùng cháy cực nhanh.
Ánh sáng mạnh mà phản ứng hóa học này gây ra sẽ kích hoạt mọi tế bào nhận kích thích ánh sáng trong mắt, khiến ta bị lóa trong vòng vài giây, sau đó thị lực sẽ dần dần được phục hồi. Do mắt không thể phục hồi ngay được nên khả năng quan sát, ngắm bắn của kẻ địch sẽ tạm thời bị vô hiệu hóa.
Lượng hóa chất được đặt trong một ống nhôm mỏng, ống nhôm lại được đặt trong một vỏ thép được đục lỗ lớn. Thiết kế này nhằm giảm thiểu sát thương gây ra từ mảnh lựu đạn văng tứ phía khi nó phát nổ và đồng thời, cho phép phản ứng hóa học có thể gây ra hiệu ứng làm choáng tối đa, với ánh sáng cực mạnh gây mù tạm thời và âm thanh lớn gây mất thính giác tạm thời. Cả hai hiệu ứng khi kết hợp lại sẽ có thể gây choáng váng, mất thăng bằng.
Nhắm mắt cũng không thoát đâu, ánh sáng chói có thể sẽ giảm đi chút ít nhưng bạn vẫn phải chịu tiếng nổ đinh tai nhức óc nữa. Thực sự thì một khi đã "dính" quả lựu đạn gây choáng này, họ sẽ khó thoát.
Tuy một quả flashbang khi nổ không tạo áp lực lớn thì nó ít nhiều vẫn là một vụ nổ, vẫn tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn và vẫn có những mảnh lựu đạn văng. Đã có những trường hợp một vụ nổ lựu đạn choáng gây chấn thương nặng nề hoặc thậm chí, dẫn tới tử vong.
Hợp chất nhôm và magiê trong quả lựu đạn này cháy rất nhanh và tỏa ra rất nhiều năng lượng. Nó được trải đều trong một ống chứa và vì thế, nó sẽ cháy rất đều dẫn đến cháy nhanh. Khi ánh sáng và nhiệt thoát ra môi trường bên ngoài, nó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới những người tiếp xúc.
Đa số những người đã “dính” flashbang kể lại rằng họ thấy chóng mặt và buồn nôn khi cả mắt và tai đều bị ảnh hưởng, gây mất thăng bằng. Hiệu lực của một quả flashbang kéo dài từ 5 cho tới hơn 10 giây, có lẽ là còn phụ thuộc vào tâm lý và vị trí của người bị tấn công nữa. Và trong chiến đấu, khoảng thời gian 5 tới 10 giây quả thực cực kì giá trị, nó có thể quyết định sinh mạnh của vô số người.
Hiện tại, giá của một quả flashbang trong trò chơi Counter-Strike: Global Offensive có giá 200 USD, mỗi người chơi có thể mang tối đa hai quả trong một ván đấu. Thông tin này chẳng giúp ích được ai cả, khác với phương pháp hoạt động của lựu đạn gây choáng đã nói ở trên.
Theo GenK