Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan lại đổ ra đường phố Bangkok hôm nay (24/3). Mục đích của họ là tăng thêm áp lực đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

TIN BÀI KHÁC:

Hãng tin Reuters cho biết, các đối thủ của bà Yingluck càng được tiếp sức, sau khi Tòa Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết hủy bỏ cuộc bầu cử ngày 2/2, một quyết định gây trở ngại cho việc thành lập chính phủ mới và khiến bà Yingluck chỉ được hưởng quyền lực hạn chế trong vai trò thủ tướng tạm quyền.

Những người phản đối đã đổ ra đường phố Bangkok từ cuối tháng 11. Hơn 20 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương vì bạo lực trước khi quy mô biểu tình thu nhỏ hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Hiến pháp dường như lại tạo động lực mới cho phe đối lập.

Hiện đang có nhiều lo ngại Thái Lan có thể sẽ bị xoáy sâu vào bất ổn dân sự nghiêm trọng.

Sau nhiều tháng kiềm chế, phe Áo Đỏ ủng hộ Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra cũng bắt đầu gây ồn ã dưới sự dẫn dắt của các thủ lĩnh mới cứng rắn. Họ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tuần hành lớn vào ngày 5/4, có thể ở Bangkok, và bầu không khí chính trị được cho là sẽ rất căng thẳng trong những ngày tới.

Bà Yingluck có thời hạn đến ngày 31/3 để tự bảo vệ trước Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia về cáo buộc lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo vốn đã phá sản. Nếu Ủy ban đề nghị buộc tội bà thì nữ chính trị gia này có thể sẽ bị Thượng viện phế truất.

Viễn cảnh bà Yingluck phải từ bỏ ghế Thủ tướng càng tiếp sức cho niềm tin của các lãnh đạo biểu tình. Một trong số họ, Suthep Thaugsuban, tuyên bố ngày nào trong tuần này ông cũng sẽ dẫn đầu một cuộc tuần hành để huy động người ủng hộ tham gia vào "đại biểu tình" ở Bankgok vào thứ Bảy tới nhằm thúc ép cải cách chính trị trước khi có bầu cử mới.

"Cuộc tuần hành của chúng tôi là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi tới bà Yingluck Shinawatra và chế độ Thaksin rằng, người dân Thái Lan không muốn bầu cử trước cải cách", hãng tin Reuters dẫn lời ông Suthep khẳng định trong bài phát biểu ngày 23/3.

Thanh Hảo