Để triển khai thực hiện công tác này, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị tập huấn sử dụng Báo cáo trực tuyến đến các Sở TT&TT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ.

Đây là hoạt động góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

báo cáo trực tuyến.jpg
Việc triển khai thực hiện báo cáo trực tuyến sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian, góp phần hiện đại hoá công tác CCHC. (Ảnh minh hoạ)

Việc thực hiện việc triển khai báo cáo trực tuyến phạm vi rộng, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước của ngành Thông tin và Truyền thông. Việc sử dụng báo cáo trực tuyến trong nội bộ sẽ giúp các Bộ, ngành nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện sự phối hợp giữa các đơn vị và đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động. Đặc biệt, báo cáo trực tuyến cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời cung cấp dữ liệu chính xác và kịp thời để hỗ trợ việc ban hành các quyết định, chính sách. 

Tại Cục Viễn thông, mỗi năm có khoảng 90 báo cáo gửi về văn phòng Bộ TT&TT, khi áp dụng báo cáo trực tuyến, mỗi năm sẽ chỉ còn 12 báo cáo. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, báo cáo trực tuyến không chỉ tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian truyền tải thông tin, mà còn cho phép cung cấp thông tin một cách minh bạch, giúp các bên liên quan dễ dàng tiếp cận và kiểm chứng thông tin.

Báo cáo trực tuyến cũng vừa giảm tải cho công chức vừa có chức năng quan trọng về lưu trữ và xử lý dữ liệu. Khi cần sử dụng, thay vì phải đi tìm kiếm văn bản giấy, lại phải liên hệ đến các đơn vị liên quan vừa vất vả lại mất thời gian, nhưng khi có “kho” báo cáo trực tuyến thì ai cũng đều có thể truy xuất các báo cáo của mình cũng như các thông tin, số liệu từ các cơ quan, đơn vị và địa phương khi cần sử dụng. 

Theo thống kê, trung bình hàng năm, mỗi Sở TT&TT phải gửi về Bộ khoảng trên 50 loại báo cáo, với 132 báo cáo/năm. Như vậy, với 63 Sở trong cả nước thì mỗi năm sẽ có khoảng 8.316 báo cáo được gửi về Bộ.

Việc tồn tại quá nhiều loại báo cáo, nội dung chồng chéo, thực hiện bằng phương thức thủ công sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, nguồn lực của cả cơ quan lập báo cáo và cơ quan tiếp nhận. Do đó, việc triển khai thực hiện báo cáo trực tuyến, theo nguyên tắc: Nhập liệu một lần mỗi tháng, sử dụng nhiều lần và phục vụ cho nhiều loại báo cáo khác nhau sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Văn phòng Bộ, từ khi thực hiện báo cáo trực tuyến, số lượt báo cáo của các Sở TT&TT đã giảm từ 132 báo cáo/năm xuống còn 12 báo cáo/năm và mỗi năm đã cắt giảm được 7.560 lượt báo cáo. Tương tự, số lượt báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ cũng giảm từ 70- 89 báo cáo/năm xuống chỉ còn 12 báo cáo/năm và cắt giảm được 2.257 lượt báo cáo.

Như vậy, có thể thấy, hệ thống báo cáo trực tuyến đã góp phần giảm tải đáng kể khối lượng công việc hàng năm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và theo dõi.

Là Bộ tiên phong triển khai sử dụng báo cáo trực tuyến, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, công tác tổng hợp, báo cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tham mưu cho lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, điều hành. 

Việc triển khai báo cáo trực tuyến với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện công tác tổng hợp, báo cáo; tối ưu quy trình, giảm thiểu thời gian, chi phí, nhân lực; đồng thời tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước của ngành TT&TT.

Việc triển khai báo cáo trực tuyến được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác báo cáo trong ngành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT, góp phần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính hiệu quả và bền vững, thúc đẩy sự phát triển của ngành TT&TT và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Việc triển khai báo cáo trực tuyến được xem là giải pháp thiết thực và bước tiến mới trong nỗ lực cải cách hành chính của ngành TT&TT, góp phần xây dựng một nền hành chính hiệu quả, bền vững.