Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, báo chí đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.

Cụ thể, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Trong nước, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị 

Đó là thông tin, tuyên truyền các chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đậm nét, có chiều sâu.

Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường. Báo chí cũng đã phân tích, nêu bật được kết quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.

Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.

Trong năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo. 

Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí. 

Các đại biểu tham dự hội nghị 

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu một số tồn tại, hạn chế của báo chí trong năm qua.

Cụ thể, ở một số cơ quan báo chí, tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng "báo hóa" tạp chí, các biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ngoài ra, vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn; có trường hợp vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp.

Một số Sở Thông tin và Truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn.

Thêm vào đó, vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Ông Trần Thanh Lâm gợi mở thảo luận các giải pháp trong việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Trong đó, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cơ quan báo chí; tuy nhiên cách thức thể hiện cần phong phú, sinh động, để người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ làm theo.  

Tiếp đến, chuyến đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nhu cầu tự thân, không thể đảo ngược. 

Ngoài ra, cần có giải pháp tháo gỡ tình trạng “tư nhân hóa báo chí”, vừa phải nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tăng nguồn thu đồng thời trên cơ sở đó quay lại đầu tư cho nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.

Về hoạt động chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, cần có sự thống nhất ở các địa phương, tránh nể nang, e dè, thậm chí đùn đẩy việc xử lý sai phạm lên cơ quan quản lý Nhà nước.