Sáng 7/12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Phần lớn doanh thu ngành truyền thông đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới

Phát biểu chào mừng hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Các cơ quan truyền thông, báo chí không thể thực hiện sứ mệnh của mình nếu như không tiến hành chuyển đổi số.

Hiện, Việt Nam có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu tin tức, sản phẩm truyền thông được sản xuất mỗi ngày. Bằng việc áp dụng các công cụ kỹ thuật phân tích dữ liệu, chúng ta có thể xác định xu hướng và mối quan tâm của dư luận. Đó là một trong những dữ liệu rất quan trọng cho các cơ quan báo chí phục vụ cộng đồng, độc giả, khán thính giả tốt hơn.

vov-toa-soan-so-2-1.webp
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: VOV

Theo Thứ trưởng TT-TT, quy mô của ngành kinh tế truyền thông tại Việt Nam từ quảng cáo, bán hàng khoảng 4 tỷ USD. Điều này cho thấy sự tăng trưởng, tiềm năng rất lớn của ngành, không chỉ phát triển bản thân trong ngành mà còn tham gia vào việc tạo ra và thúc đẩy các ngành kinh tế khác. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng lưu ý, hiện nay phần lớn doanh thu này đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới. 

“Đây là tình trạng chung của rất nhiều nước, chắc chắn là các nước ASEAN không thể đứng ngoài lề. Chúng ta đứng trước một vấn đề là phải làm công việc khó hơn, với nguồn lực cạnh tranh hơn.”, Thứ trưởng Bộ TT-TT nêu thực tế.

Ông Lâm cho hay, ở Việt Nam, chuyển đổi số báo chí đã được các cấp lãnh đạo, quản lý quan tâm thúc đẩy. Ngày 6/4/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

“Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của nhà nước đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong cuộc chuyển đổi hết sức quan trọng, từ không gian thực đến không gian số”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT-TT đã ban hành chương trình hành động về nội dung này.

Ông Lâm cũng thông báo tin vui, chỉ trong gần một năm qua, công tác chuyển đổi số báo chí đã có sự chuyển biến rất quan trọng, rất nhiều cơ quan, tổ chức tham gia trong quá trình này. 

“Cuối năm nay, lần đầu tiên Bộ TT-TT sẽ công bố xếp hạng về mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí”, ông Lâm cho biết. 

Theo Thứ trưởng TT-TT,  nhiều cơ quan báo chí đã tự tìm con đường của mình và dựa vào định hướng của nhà nước để mạnh dạn đưa các sản phẩm báo chí lên không gian mạng, mạng xã hội xuyên biên giới và các nền tảng của chính mình. 

“Đây là hành trình trải nghiệm mang lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm thú vị và cả những bài học”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm ghi nhận.

Vì vậy, hội thảo hôm nay theo ông Lâm là vô cùng quý báu để cùng lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hoàn thành sứ mệnh của các cơ quan báo chí, đáp ứng kỳ vọng của độc giả.

Thứ trưởng TT-TT bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ trao đổi cởi mở, chia sẻ tình hình, các kế hoạch, hoạch định chính sách và phương hướng để chuyển đổi số báo chí. 

“Đây là tiền đề để các quốc gia thành viên cũng như các cơ quan truyền thông ở mỗi nước có sáng kiến, cách làm riêng của mình để hoàn thành chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Báo cáo đề dẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, có sự tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của các nước trên thế giới.

Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động sản xuất và phân phối thông tin, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt hơn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới công chúng. 

chuyendoisobaochi.webp
Ngoài Việt Nam, tham dự hội thảo có 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. 

Bên cạnh đó, báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ; tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế…

Tuy nhiên, ông Lợi cũng cảnh báo, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng… 

“Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Xét cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo phân tích.

Ông Lợi đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình, của quốc gia mình như thế nào. 

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV thông tin, VOV đã xây dựng và bước đầu thực hiện chuyển đổi số bằng việc xây dựng Cổng thông tin điện tử tin tức tích hợp cả 4 loại báo chí từ năm 2010.

Ví von đây là “sàn giao dịch tin tức” của các đơn vị trong đài, ông Hùng cho hay, nhờ vậy VOV đã tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực từ nhân lực, đồng thời tạo ra các sản phẩm báo chí phong phú, phục vụ hiệu quả tới đông đảo khán, thính và độc giả. 

Phó Tổng Giám đốc VOV cho rằng, trong xu thế chuyển đổi số, việc đầu tư vào công nghệ là điều các cơ quan báo chí phải quan tâm hàng đầu. Trong đó, phải kể đến sự phát triển từng ngày của AI, của trí tuệ nhân tạo. 

“Nếu Việt Nam chậm trễ trong chuyển số, chúng ta sẽ bị tụt hậu”, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cảnh báo và gợi mở, cơ quan báo chí phải ứng dụng được những công nghệ mới AI vào sản xuất nội dung và quản trị nội dung. 

Để làm được điều này, theo ông Hùng phải thực hiện đào tạo và có nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Nguồn nhân lực này không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn phải hiểu biết về công nghệ để có thể triển khai được.

 Ông WU Rui Ming, phóng viên Báo Shin Min Daily News của SPH Media (Singapore) cũng nêu thực tế, khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số của báo chí là sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ.

Vì vậy, ông WU Rui Ming cho rằng, phải liên tục cập nhật công nghệ, phải theo kịp, đáp ứng sự phát triển này để không bị tụt hậu và giữ chân được độc giả.

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên: Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị toà soạn số”; phiên thứ hai với nội dung “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”.

Đây là hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023 nhằm xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới.