Ba người trong gia đình ở Quảng Ninh có biểu hiện ngộ độc gồm thai phụ, em trai và em gái. Họ được gia đình đưa cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hạ Long, Bệnh viện Bãi Cháy, riêng thai phụ tên N.A được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Bác sĩ xác định chị N.A đang mang thai 38 tuần 1 ngày, nhập viện trong tình trạng khó thở, lơ mơ, ngứa, nổi mẩn toàn thân, xuất hiện cơn co tử cung nhẹ, dấu hiệu suy thai, tim thai 70-80 lần/ phút.

Ngay khi tiếp nhận, kíp trực lập tức đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, xử trí các biện pháp hồi sức tích cực, bóp bóng qua ống nội khí quản, dùng Adrenalin, Methyl prednisolon, Dimedrol, truyền dịch cấp cứu sản phụ.

Kết quả hội chẩn toàn viện kết luận bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 2, suy thai cấp, được chuyển đến phòng mổ chỉ định mổ cấp cứu lấy thai ngay để bảo toàn tính mạng cho hai mẹ con.

Ca phẫu thuật đã đón được một bé trai nặng 2.500g, khóc yếu, phản xạ yếu, suy hô hấp sơ sinh. Bé được bác sĩ sơ sinh đón, hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản tại phòng sinh và chuyển khoa Sơ sinh theo dõi, chăm sóc thiết yếu. Đồng thời, sản phụ cũng chuyển sang khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thực hiện hồi sức và chăm sóc sau sinh.

Chị N.A cùng con trai được cứu sống sau khi chị bị sốc phản vệ sau ăn trứng cò. Ảnh: BVCC

Sau 7 ngày điều trị, sản phụ và con đã hồi phục tốt. Chị N.A tỉnh, tự thở, SpO2 99%, bụng mềm, không sốt, không còn ban đỏ. Riêng trẻ phản xạ tốt, tự thở, tự bú, sữa ăn tiêu, được ghép mẹ. Ngày 12/6, hai mẹ con được xuất viện.

Các bác sĩ khuyến cáo các thai phụ ngoài việc chú ý bổ sung các thức ăn giàu dinh dưỡng, giàu đạm, nên tránh ăn các thức ăn lạ, nghi ngờ có thể gây dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần tìm hiểu kỹ tiền sử dị ứng của bản thân và người thân trong nhà để chủ động phòng tránh các nguy cơ không đáng có xảy ra khi sử dụng thực phẩm, thuốc… Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.