Chiếc phao cho các HTX
Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất trước các diễn biến thất thường của thiên tai. Trong khi đó, ngành nông nghiệp với 2 mảng chính: trồng trọt và chăn nuôi vốn có quá nhiều rủi ro từ thiên tai (với ngành trồng trọt) và dịch bệnh (với ngành chăn nuôi) lại đang chưa có những chính sách bảo hiểm nào tối ưu để tạo ra được chiếc phao cho các HTX nông nghiệp.
Thực tế, nói tới bảo hiểm nông nghiệp – một khái niệm không còn quá xa lạ với nhiều HTX cũng như nông dân sản xuất lớn nhưng lại không dễ tiếp cận. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm, mưa lũ, hạn hán… sẽ cuốn đi thành quả của người nông dân, HTX với khối tài sản ít nhất khoảng 1,5% GDP. Do đó, việc thiết lập chính sách bảo hiểm nông nghiệp, động viên các HTX và người dân tham gia để bảo đảm cho thành quả lao động của họ là việc làm cấp thiết.
Tuy nhiên, theo các xã viên HTX và người dân, bảo hiểm nông nghiệp vẫn là khái niệm xa vời và không dễ tiếp cận. Lí giải sự “tréo ngoe” này, GS-TS Nguyễn Văn Định, nguyên giảng viên Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, hiện khung chính sách về bảo hiểm nông nghiệp chưa mang lại sự thuận tiện cho người dân, HTX khi tham gia. Đơn cử, nông dân HTX muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp phải chứng minh được thu nhập, định giá được tài sản của mình để lựa chọn được gói bảo hiểm phù hợp.
Thế nhưng, trong phát triển chăn nuôi, thậm chí sản xuất theo hướng hàng hóa, đa phần chuồng trại của người dân hay các HTX đều là đất đi thuê hoặc vướng quy định pháp luật về đất đai (thời hạn thuê đất 50-70 năm) gây khó khăn trong việc định giá để tham gia bảo hiểm. Nếu chăn nuôi đơn lẻ (thả rông) thì việc định giá tài sản vật nuôi cũng là việc khó khi giá cả bấp bênh và không có những gói bảo hiểm phù hợp cho các hộ kinh doanh hay HTX vừa và nhỏ.
Rủi ro trong trồng trọt và chăn nuôi đến từ thiên tai và dịch bệnh diễn ra thường xuyên, bảo hiểm nông nghiệp được ví như chiếc phao cho các HTX cũng như nông dân, nhưng do thu nhập của nông dân, thành viên HTX còn thấp và không ổn định nên khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu của các hợp đồng bảo hiểm (thường rất cao) rất hạn chế, không dễ với tới.
Những khoảng trống chính sách
Anh Nguyễn Văn Công, HTX nông nghiệp Tân Phong (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, do ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn vào cuối tháng 9 vừa qua, HTX nông nghiệp Tân Phong bị thiệt hại nặng nề khi 11.000ha lúa mùa bị nghiêng đổ (tương đương gần 15% tổng diện tích lúa) và khoảng 6.700 ha rau màu bị ảnh hưởng. Dù không bị mất trắng như những năm mưa bão, nhưng giá trị và sản lượng lúa cùng rau màu giảm từ 30-50%.
Trong khi đó, anh Trần Nho Thiện, HTX chăn nuôi heo Ánh Thiện (Thanh Thủy, Phú Thọ) thì mất trắng 2/3 đàn lợn gần 5.000 con do dịch bệnh cuối năm 2022, thêm vào đó là những lần giá heo sụt giảm bất ngờ trong khi thức ăn chăn nuôi tăng giá khiến HTX của anh điêu đứng và không còn khả năng thanh toán các chi phí đầu vào. Được biết, mặc dù cả 2 HTX này đều mong muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp, từng nhiều lần làm đơn và các thủ tục mua các gói phù hợp nhưng chưa được xét duyệt.
Lí giải hiện tượng dù các HTX hay nông dân dù rất muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng không thể tiếp cận được, GS-TS Nguyễn Văn Định phân tích, ngành bảo hiểm đang có những rào cản, khoảng trống chính sách cho lĩnh vực này. Cụ thể, với các HTX chăn nuôi trâu, bò, lợn nếu muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ phải áp Quyết định số 13/QĐ-TTg, nhưng quyết định này chỉ tập trung vào bệnh như tai xanh, nhiệt thán, lở mồm long móng…
Trong khi các bệnh khác (bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò) chính sách lại không đề cập, không được chấp nhận; việc chứng minh bệnh dịch bất khả kháng cũng là trở ngại cho người chăn nuôi. “Dễ thấy, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp hiện vẫn còn những khoảng trống nhất định làm hạn chế sự tham gia của nông dân, thành viên HTX. Ví dụ, dù HTX có tham gia bảo hiểm thì các địa phương được hưởng chính sách theo Quyết định số 13/QĐ-TTg (với bệnh lở mồm long móng năm 2022) mới chỉ gói gọn ở 28 tỉnh, thành.
Tham gia khó, duy trì mức phí bảo hiểm cũng không hề dễ. Chính cái vòng luẩn quẩn khiến bảo hiểm nông nghiệp dù vô cùng cần thiết nhưng lại quá xa tầm với của các HTX và nông dân. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách và các hướng dẫn pháp lý phù hợp để có thể lôi kéo được HTX và người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhiều hơn trong những năm tới đây.