Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 6 giờ vừa qua, bão số 10 (tên quốc tế Pabuk) hầu như ít dịch chuyển.
Đến 13h ngày 24/12, vị trí tâm bão vẫn ở trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 5km/h.
Đến 13h ngày 25/12, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được 5-10km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.
Khoảng 12 giờ sau đó, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng di chuyển, tốc độ khoảng 10km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu với sức gió dưới cấp 6.
Vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4-6m; biển động mạnh. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-6m; biển động mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Như vậy, theo dự báo của cơ quan khí tượng, bão số 10 sẽ suy yếu và trở thành vùng áp thấp trên biển, ít khả năng đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão kết hợp với gió mùa đông bắc sẽ gây mưa cho khu vực Trung và Nam Trung Bộ, phía Đông Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, thời tiết Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối có mưa rào rải rác, có nơi có mưa vừa, cục bộ mưa to và giông.
Thời tiết TPHCM mây thay đổi, ngày nắng, đêm không mưa; sáng sớm có mù nhẹ; chiều tối có mưa rào và giông vài nơi.
Bộ NN&PTNT phát công điện yêu cầu các tỉnh ven biển Phú Yên - Cà Mau theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, sẵn sàng phương tiện ứng cứu khi có yêu cầu.