Năm 2024, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) phấn đấu vận động 6 ngôi nhà tạm, hoàn thành 249/249 nhà tạm theo rà soát từ năm 2021. Trước đó, từ năm 2021-2023, địa phương đã huy động 14,5 tỷ đồng và 4.500 ngày công, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2,5 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa 244 ngôi nhà.
Ở thôn Cốc Né, thị trấn Nông trường Phong Hải, có 104 hộ, trong đó có 23 hộ thuộc diện nghèo, 21 hộ cận nghèo, 5 hộ đang ở nhà tạm. Một trong số đó có nhà anh Thào Seo Páo (31 tuổi).
Năm 2024, anh Páo được vận động và đã triển khai tháo dỡ nhà tạm, xây mới nhà kiên cố. Anh Páo được thị trấn hỗ trợ ít nhất 40 triệu đồng, hơn 100 triệu đồng còn lại, anh "dốc hầu bao" tích cóp sau nhiều năm đi làm thợ xây. Xác định làm nhà vững chãi để sau không sợ nước lũ, không lo sụt, sạt, anh Páo quyết tâm xây thêm bức tường kè bằng bê tông kiên cố dù tốn tiền.
Các hộ còn lại đang sống trong nhà tạm trong thôn Cốc Né năm 2024 này cũng sẽ khởi công xây dựng nhà mới, với sự trợ lực từ Nhà nước, góp phần thúc đẩy ý chí có căn nhà vững chãi của người dân nghèo.
Trên toàn huyện Bảo Thắng, chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, xoá nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu năm 2024 huyện không còn nhà tạm.
Ông Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện uỷ Bảo Thắng, cho biết từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, huyện đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công, xóa được hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà xuống cấp cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
"Tuy nhiên, theo thống kê, trên địa bàn huyện Bảo Thắng còn hơn 100 hộ đang ở nhà tạm, nhà xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới, với nguồn kinh phí dự kiến hơn 4 tỷ đồng", ông Sáng cho biết.
Vừa qua, huyện phát động cuộc vận động Chung tay vì huyện Bảo Thắng không còn nhà tạm. Cuộc vận động nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn xóa nhà tạm, có điều kiện an cư.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm huyện Bảo Thắng, thời điểm hiện tại, toàn huyện còn 135 nhà tạm (chiếm 1,6% số nhà tạm của toàn tỉnh). Đơn cử, xã Xuân Giao hiện còn 3 nhà, xã Trì Quang còn 6 nhà tạm, xã Phong Niên, thị trấn Tằng Loỏng mỗi địa phương còn 10 nhà tạm.
Từ đầu năm 2024, huyện Bảo Thắng đã thành lập 15 tổ công tác giúp đỡ các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn, nội dung tập trung nhiệm vụ hàng đầu vào việc giúp các hộ khó khăn xóa nhà tạm, vận động trẻ em đến trường đúng tuổi, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống... của người dân.
Huyện Bảo Thắng đặt mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 72,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,72%, là huyện có tỷ lệ nghèo ít nhất trong tỉnh.
Đảng bộ huyện Bảo Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến hết năm 2024 cơ bản không còn hộ nghèo, trừ đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2025, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, do đó, công tác xóa nhà tạm càng có ý nghĩa quan trọng.
Mỗi căn nhà mới được xây lên không chỉ là hiện thực hoá các chính sách an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở có điều kiện sống trong căn nhà vững chãi, an toàn mà còn góp phần vào việc hiện thực hóa các mục tiêu huyện đề ra.
Năm 2024, huyện Bảo Thắng phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1%. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Huyên cũng đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp những hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững.