Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ Quốc. Tỉnh hiện có 06 khu bảo tồn thiên nhiên, gồm Tây Côn Lĩnh, Phong Quang, Bắc Mê, Du Già, Khau Ca, Bát Đại Sơn. Đặc biệt, Hà Giang có Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Hà Giang có nhiều động vật quý hiếm như Voọc mũi hếch, Voọc đen má trắng, Gấu, Sơn dương, Khỉ mặt đỏ, Báo hoa mai, Báo gấm, Gà lôi, Trăn, Rắn các loại, Kỳ đà, các loài Chim... Thực vật bao gồm các loài Nghiến, Đinh, Trai lý, Bách vàng, Thông đỏ, Thông Pà Cò, Đỉnh tùng, Pơ mu, Hoàng đàn rủ.

Tại Cao nguyên đá Đồng Văn, các nghiên cứu ghi nhận đây là hệ sinh thái vô cùng đặc biệt. Động vật chủ yếu sống ở các tán rừng xanh quanh khe đá, các thung lũng như Sóc, Kỳ Đá, Kỳ Dông. Cao nguyên đá Đồng Văn có 53 loài thú, 161 loài chim, 33 loài bò sát, 39 loài ếch. Nhiều động vật  quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài thú đặc hữu ở vùng địa lý động vật Đông Bắc. Đây một trong 25 loài linh trưởng của thế giới có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu. Hiện ghi nhận khoảng hơn 100 cá thể sống trong Vườn Quốc gia Du Già thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn.

cao nguyen da dong vavb.png
Người dân nuôi ong tại Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Ngoài ra, Cao nguyên Đá còn có nhiều loài Voọc, Hoẵng, Lợn rừng, Cầy hương, Chồn, Gà rừng, ếch nhái. Nhiều loài này đều nằm trong danh sách nguy cấp, số lượng quần thể giảm mạnh do các hoạt động phá rừng, săn bắt động vật hoang dã. 

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hành động bảo tồn và ngăn ngừa các hành vi xâm hại đa dạng sinh học. 

Thứ nhất, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Các hoạt động triển khai đều phát huy lợi thế của lâm nghiệp, đa dạng sinh học,  kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng cần đẩy nhanh quá trình giao rừng và đất rừng cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý lâu dài để tập trung đầu tư và đẩy nhanh công tác trồng rừng.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế 

Hà Giang tranh thủ các nguồn hỗ trợ của nước ngoài, các tổ chức quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển nguồn gen quý như: Dự án KfW8, đây là dự án đặc thù được giao vốn ODA trực tiếp từ trung ương với nguồn vốn hỗ trợ trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022 là hơn 23 tỷ đồng. Hợp tác với chức Bảo tồn động, thực vật thiên nhiên quốc tế (FFI), vườn thú Denver thực hiện một số hoạt động bảo tồn tại Khu bảo tồn Khau Ca. Các biện pháp triển khai như truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về đa dạng sinh học, tuần tra giám sát bảo vệ rừng, đa dạng sinh học. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ bảo tồn loài Voọc mũi hếch tại Cao nguyên đá Đồng Văn với các hoạt động chính như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đang sinh sống ở ven rừng có quần thể Voọc mũi hếch, hỗ trợ sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, giảm áp lực lên rừng. 

Năm 2021, tỉnh Hà Giang và Chính quyền nhân dân châu Văn Sơn ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung về hợp tác nông, lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên môi trường, công tác đấu tranh phòng, chống hành vi chặt phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực biên giới. 

Thứ ba, tuyên truyền làm nòng cốt 

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Hà Giang được triển khai đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh, hệ thống phát thanh cơ sở, truyền thông trực tiếp qua các hội nghị thôn bản, làng xã.

 Đặc biệt, tỉnh đã đã đưa nội dung giáo dục di sản vào các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh nhằm giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của di sản, đa dạng sinh học trên Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Đây chính là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn và ngăn ngừa tội phạm đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Thế Mỹ và nhóm PV, BTV