Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước UNCLOS tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, với tư cách là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển.
Tại hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vừa diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) đã xem xét Báo cáo thường niên của Tổng thư ký LHQ mang tên “Các đại dương và Luật biển”, trong đó nhận xét “sức khỏe của đại dương tiếp tục suy giảm do nhiều tác nhân, có tăng axít hóa đại dương, thừa dưỡng chất trong nước biển, ô nhiễm rác thải nhựa, đe dọa hệ sinh thái lớn nhất hành tinh và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng tỷ người.”
Báo cáo kêu gọi “những nỗ lực khẩn cấp” để ứng phó các thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có việc xây dựng năng lực, phát triển nền kinh tế biển bền vững và giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo.
Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ Công ước, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực biển và đại dương, ứng phó với các thách thức như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, đóng góp vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương.
Hội nghị ghi nhận dấu ấn lịch sử trong việc đạt được thoả thuận về dự thảo nội dung Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng Bền vững Đa dạng Sinh học Biển ngoài vùng Tài phán Quốc gia (BBNJ) nhằm hướng tới thông qua văn kiện này vào cuộc họp sắp tới (dự kiến từ ngày 19-20/6/2023 tại Trụ sở Liên hợp quốc).
Đa số phát biểu tại Hội nghị năm nay tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, với tư cách là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, khẳng định 40 năm qua, UNCLOS, với vai trò “Hiến pháp của Đại dương,” là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.
UNCLOS 1982 không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, mà còn kiến tạo cơ chế hợp tác công bằng và hòa bình trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, vì sự phát triển bền vững.
Đại sứ nêu bật nỗ lực của Việt Nam thực hiện UNCLOS, trong đó có Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Là một trong những thành viên sáng lập của Nhóm bạn bè UNCLOS, Việt Nam tiếp tục tái khẳng định cam kết đối với Công ước và gìn giữ sự phổ quát, toàn vẹn và thực thi đầy đủ Công ước.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027:
"Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là công ước lớn nhất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đây cũng cơ sở để xây dựng nên Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 hay Quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp".