- Nhiều vụ việc bảo vệ hành hung, đấm đá hay cư xử thô lỗ với khách hàng chứng tỏ lâu nay các siêu thị chưa chú trọng đến vị trí này, thậm chí còn dễ dãi trong tuyển dụng khiến uy tín doanh nghiệp bị tổn hại.

Thông thường, các doanh nghiệp, siêu thị thường tuyển dụng nhân viên bảo vệ là những người có trình độ học vấn mới hết phổ thông, công ăn việc làm chưa ổn định, hoặc chỉ đơn giản là lao động thô sơ. Phần lớn lao động này chưa qua trường lớp đào tạo nên ít biết về công việc kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử.

Vì thế, khi gặp phải những sự cố, tình huống bất ngờ với khách hàng, họ thường ứng xử theo lối suy nghĩ mà họ cho là đúng, cho là có quyền. Chưa kể rất nhiều nơi, bảo vệ còn là con em người nhà, quen biết.

Uy hiếp khách hàng bằng nắm đấm

Đã có những sự cố xuất phát từ lỗi ứng xử của nhân viên bảo vệ, đáng tiếc là xảy ra ở những siêu thị, thương hiệu uy tín.

Vụ việc anh Bùi Văn Thức, lái xe hãng tắc xi Thành Lợi bị hai nhân viên bảo vệ của siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) đánh dã man vì bị cho là trả khách không đúng nơi quy định.

{keywords}
Tài xế taxi bị bảo vệ siêu thị Big C Thăng Long đánh chảy máu đầu (ảnh GDVN).

Trưa ngày 14/9, anh Thức có đưa một khách hàng đến sân trong siêu thị Big C Thăng Long. Khi anh đang quay đầu xe định đi ra ngoài thì một bảo vệ cầm bộ đàm đến quát lớn: “Đ., cút nhanh khỏi đây không tao đánh chết...”. Và người này luồn tay qua cửa kính, đập mạnh một vật cứng vào đầu lái xe khiến anh này máu chảy be bét. Sau đó, tài xế còn bị lôi ra và đấm nhiều nhát vào mặt, mũi. Thêm một bảo vệ nữa lao vào lôi rách áo người lái xe. Cả hai bảo vệ đều là nhân viên công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Minh Thắng, trụ sở tại TP. Hải Phòng. Đơn vị này ký hợp đồng nhận bảo vệ tại siêu thị Big C Thăng Long.

Một vụ việc tương tự từng diễn ra tại Big C Hải Dương vào ngày 25/7/2013, nhân viên bảo vệ của siieu thị đã đấm đá chảy máu tai nữ khách hàng tại khu vực kiểm soát khách mua hàng.

Bảo vệ Nguyễn Trọng Hiếu (18 tuổi, đường Lê Hồng Phong, Phạm Ngũ Lão, Hải Dương) cố tình ưu tiên cho người ra về sau được kiểm soát hóa đơn trước dẫn đến xô xát và hậu quả là chị Phạm Thị Hiền (đường Hồng Quang, Hải Dương) bị túm tóc, đánh liên tiếp khiến chị ngã sấp mặt xuống nền nhà, chảy máu tai, mũi.

{keywords}
Nhân viên bảo vệ này còn tống tiền nhân viên bán hàng (ảnh ANTĐ)

Không những có hành động vũ lực thô bạo với khách hàng, bảo vệ Big C còn có hành động tống tiền ngay chính nhân viên Big C (tại Hải Phòng). Khi phát hiện chị Bùi Thị Bích Ngọc, nhân viên thu ngân vi phạm nội quy mang tiền vào quầy thu ngân, Trần Thái Hùng đã tống tiền chị Ngọc, yêu cầu chị nộp 5 triệu đồng, nếu không sẽ lộ chuyện và sẽ bị đuổi việc. Bảo vệ này đã bị công an bắt giữ.

Không chỉ với bảo vệ mà tai tiếng nhất tuần qua là vụ việc nhân viên siêu thị Big C Hạ Long (Quảng Ninh) ném cả con cá lớn vào mặt “thượng đế”. Cụ thể, khoảng 21 giờ ngày 28/5, sau vài lời to tiếng, nam nhân viên bán hàng đã xông vào đấm đá túi bụi vào người khách hàng khiến chị này ôm mặt choáng váng kêu la. Sau đó, khoảng 5 người nhà của chị khách hàng này đến tỏ vẻ rất bực tức, xô xát với bảo vệ và nhân viên trong Big C.

{keywords}
Nhân viên bán hàng ở Big C Hạ Long còn ném cả con cá vào mặt khách, dẫn đến xô xát (ảnh Dân Việt)

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do nhân viên Big C bực tức khi khách chọn lựa hàng nhưng lại không mua. 

Vô cảm, thiếu văn hóa

Ở một số siêu thị khác, nhân viên bảo vệ còn ứng xử thô bạo về văn hóa, như vụ làm nhục học sinh lớp 7 xảy ra tại siêu thị Vĩ Yên, thị trấn Chư Sê (Gia Lai) vừa qua, khi họ nghi ngờ em này ăn cắp sách. Nhân viên bảo vệ Phan Văn Hải cùng hai nhân viên khác đã dùng băng keo trói tay nữ sinh lên lan can tầng 2, sau đó đeo biển dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” rồi tung ảnh lên facebook cá nhân, gây bất bình trong xã hội.

{keywords}
Siêu thị Vĩ Yên, nơi bảo vệ trói và bắt em học sinh đeo biển thú nhận ăn cắp sách.

Có trường hợp, bảo vệ khoanh tay nhìn hành động côn đồ một cách vô cảm, thiếu trách nhiệm. Gần đây nhất, ngày 10/5/2014, trong khi đang làm nhiệm vụ chỉ huy điều khiển giao thông tại ngã tư đại lộ Lê Lợi, TP. Thanh Hóa, Thiếu tá Ngô Hồng Hải - cán bộ Đội CSGT Công an TP. Thanh Hóa đã bị đối tượng Trần Quang Độ, sinh năm 1994 hành hung... Trong đoạn clip ghi lại, người ta thấy có bảo vệ ở một trung tâm thương mại gần đó đứng nhìn một cách vô cảm mà không hề có một hành động can ngăn hay phối hợp khống chế đối tượng. Hình ảnh đó rất phản cảm đối với người dân.

Đó là chưa kể, có những nơi bảo vệ giao tiếp rất thiếu văn hóa. Ở một số công sở, khi khách nước ngoài đến liên hệ, bảo vệ không biết ngoại ngữ nên chỉ gật và lắc, làm khách thiếu thiện cảm. Bảo vệ hỏi giấy tờ, xăm soi khách đến cơ quan như họ “có chuyện khả nghi” khiến khách khó chịu. Có trường hợp, bảo vệ còn định ngăn không cho nhân viên vào cơ quan, vào hội nghị chỉ vì anh này bị sếp ghét. Nhiều nơi bảo vệ ăn to nói lớn, rất “mất trật tự” ở nơi cần yên tĩnh, trang nghiêm...

Bảo vệ công ty, siêu thị chính là người đầu tiên tiếp đón khách và là người cuối cùng chào tạm biệt khi khách đến và đi. Hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp cũng được nâng cao nếu có đội ngũ bảo vệ hiểu biết, cư xử đúng mực, có văn hóa. Chính vì vậy, các chuyên gia nhân sự cho rằng đừng nên lơ là và xem thường vị trí này.

Tóc Tiên