Internet là một công cụ hiệu quả giúp trẻ em kết nối, khám phá, học tập và tham gia các hoạt động một cách sáng tạo, theo hướng được trao quyền. Tuy nhiên, việc dành nhiều thời gian lên mạng sẽ khiến trẻ em gặp những rủi ro khó lường và mối đe dọa bị tổn hại. Một trong những rủi ro đó là lợi dụng Internet và công nghệ số nhằm phục vụ mục đích bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.

Thạc sĩ Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em của Tổ chức World Vision International tại Việt Nam cho biết, theo báo cáo "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại" của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022, ở Việt Nam có 89% số trẻ em độ tuổi 12 đến 17 được khảo sát cho biết có sử dụng Internet, số trẻ sử dụng Internet hàng ngày chiếm 87%, tỷ lệ tăng dần theo lứa tuổi, đến 16-17 tuổi là 97%; có 20% số trẻ được khảo sát cho biết đã dùng Internet trước 9 tuổi.

Do đó, World Vision International tại Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình bảo vệ trẻ em tại 25 tỉnh/thành của Việt Nam, trong đó có dự án về an toàn mạng cho trẻ em tại Thanh Hóa.

Thông qua các buổi tập huấn, hoạt động truyền thông, và sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em tại trường học và cộng đồng, trẻ em không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản mà còn hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một văn hóa trên mạng an toàn, lành mạnh.

trẻ em trên mạng
Học sinh ở Hà Tĩnh thực hành trên máy tính.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy vai trò của trẻ em trong hành động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng cần được chú trọng. Các em có thể tham gia truyền thông trong các câu lạc bộ trẻ em, thực hiện những sáng kiến do chính các em khởi xướng tại trường học và trong cộng đồng; thậm chí đưa ra những đề xuất cho nhà trường cũng như lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Việc tham gia vào các hoạt động này sẽ giúp nâng cao kiến thức của trẻ em về sử dụng Internet an toàn, đồng thời giúp việc lan tỏa kiến thức đến bạn bè các em thuận tiện và dễ dàng hơn.

Cùng với đó, việc tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên, và cộng tác viên cộng đồng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng rất quan trọng.

Báo cáo của World Vision International tại Việt Nam cho thấy, chưa đến 30% (28,7%) cha mẹ có kiến thức về tác động của Internet đối với trẻ em, chủ yếu là về những nguy cơ ảnh hưởng đến mắt, đến sức khỏe của trẻ em; chỉ 8,6% các bậc cha mẹ hiểu biết về nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em qua mạng. Do đó, các bậc cha mẹ cần được trang bị các phương pháp để đồng hành cùng con em mình sử dụng Internet an toàn. 

Bà Phan Thị Kim Liên nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực cho các ban bảo vệ trẻ em và trường học để họ có thể thực hiện công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và hỗ trợ những trường hợp trẻ em bị bạo lực, đặc biệt là bạo lực trên mạng. Song song với đó, tập trung vào giáo dục kỹ năng số cho trẻ, giúp các em biết cách sử dụng Internet một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. 

Ngoài ra, cần có những mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hoạt động hiệu quả hơn trong việc loại bỏ và ngăn ngừa sự phát tán các tài liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Có thể nói, hoạt động của trẻ em trên Internet rất đa dạng, từ tương tác trên mạng xã hội, nhắn tin cho bạn bè, tìm hiểu kiến thức để học tập. Rất nhiều các hoạt động trong số này là tích cực và hữu ích cho các em, tuy nhiên cũng có rất nhiều các hoạt động tiềm ẩn những rủi ro. Vì vây, việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội hiện nay là thực sự cấp bách và cần thiết.