Sau hơn 3 tháng thi công, công trình xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh Trường tiểu học Keng Đu 2, xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Tại buổi lễ, đại diện Báo VietNamNet, ông Đặng Ngọc Chính cho biết, phải vượt quãng đường đồi núi gần 80km từ trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) với nhiều con dốc, khúc cua lớn nhỏ để vào tới trung tâm xã Keng Đu, đoàn mới thấu hiểu được một phần khó khăn mà các thầy cô cùng các em học sinh ở đây trải qua.
“Với mong muốn tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh trường Tiểu học Keng Đu 2, công trình xây dựng 4 căn phòng ở bán trú khánh thành ngày hôm nay là món quà mà bạn đọc Báo VieNamNet dành tặng các em. Công trình xây dựng với tổng diện tích gần 100m2 trị giá 300 triệu đồng”, ông Chính nói.
Tới khánh thành nhà bán trú, Báo VietNamNet đã trao tặng thêm cho Trường tiểu học Keng Đu 2 một chiếc tivi trị giá 10 triệu đồng, tạo thêm không gian giải trí, tin tức cho các em học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Keng Đu 2 Phan Đăng Vinh tâm sự, giáo viên và học sinh nơi đây đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Hầu hết giáo viên đều ở dưới xuôi, vùng trung tâm huyện, đường sá đi lại rất vất vả.
Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, một số dãy nhà ở xuống cấp trầm trọng, độ an toàn không cao.
“Bắt đầu từ năm ngoái, khi thực hiện đưa các em từ điểm trường lẻ về trường chính, số lượng học sinh tương đối đông, gần 400 em. Chính vì vậy, việc đảm bảo, chăm lo đời sống cho các em học sinh còn nhiều hạn chế. Các giáo viên tha thiết mong muốn được giúp đỡ xây thêm phòng học và phòng ở bán trú để các em yên tâm đến trường”, thầy Vinh cho hay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Vi Thị Quyên thông tin, Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất cả nước, đường biên giới dài nhất tỉnh Nghệ An. Đến cuối năm 2022, huyện còn 54,36% tỉ lệ hộ nghèo. Xã Keng Đu cũng là xã có tỉ lệ hộ nghèo đứng thứ 2 của huyện.
“Điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, một năm phải chi tới 900 tỷ đồng để điều hành bộ máy, trong khi nguồn thu ngân sách của huyện chỉ từ 16 – 20 tỷ đồng. Chính vì vậy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phụ thuộc vào nguồn ngân sách trung ương, tỉnh cùng các mạng thường quân”, bà Quyên nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, đối với công tác giáo dục, huyện có 72 cơ sở giáo dục, trong đó có một trung tâm giáo dục thường xuyên. Đặc thù huyện biên giới, ngoài các điểm trường chính còn có thêm các điểm lẻ ở khắp các bản. Chính vì vậy, nguồn lực đầu tư phải phân bổ khắp các nơi.
Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì bắt buộc có 2 môn: tin học và ngoại ngữ từ cấp tiểu học trở lên. Chủ trương của tỉnh, huyện dồn tất cả các em học từ lớp 3 đến lớp 5 về học tại điểm trường chính, phát sinh vấn đề thiếu phòng học, phòng học cùng các trang thiết bị.
"Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn xin ghi nhận tình cảm của các mạng thường quân, đặc biệt Bạn đọc Báo VietNamNet đã quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng địa phương hỗ trợ, khắc phục những khó khăn”, bà Quyên xúc động.