Ngày 27/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 2 đối tượng để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Các bị can bị bắt tạm giam gồm Nguyễn Quang Tứ (37 tuổi, trú tỉnh Thái Bình, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn công nghệ HTP, đơn vị vận hành kênh trung gian thanh toán Omi Pay); Đỗ Minh Trí (28 tuổi, trú tỉnh Hưng Yên, Trưởng nhóm kinh doanh Công ty CP Tập đoàn công nghệ HTP).
Đây là 2 bị can tiếp theo bị khởi tố trong chuyên án cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự quy mô hơn 20 nghìn tỷ đồng vừa được cơ quan chức năng triệt phá trước đó.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, và công an nhiều tỉnh thành triệt phá đường dây cho vay nặng lãi online lên đến 20 nghìn tỷ đồng.
Theo hồ sơ điều tra, từ 12/2020 - 7/2023, nhóm đối tượng người Trung Quốc chủ mưu câu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại “ma” tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm.
Nhóm này đã cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc thông qua ứng dụng “Great Vay” trên điện thoại di động (trong đó có nhiều ứng dụng nhỏ hơn, như: Abc Tien, cashGo, Like Tiền, Vi Dong...) và liên kết lưu trữ dữ liệu người vay tại website có địa chỉ https://xxxxxx.com đặt tại server của Alibaba Cloud Singapore.
Kết quả xác minh, xác định nhóm đối tượng nêu trên là ổ nhóm tội phạm hoạt động phạm tội có tổ chức, với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng người Trung Quốc chủ mưu cầm đầu và đối tượng người Việt Nam giúp sức.
Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, các đối tượng thành lập hàng chục công ty “ma”, sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích “rửa tiền”, “chuyển tiền trái phép qua biên giới”. Cùng với đó, các đối tượng sử dụng hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” gây mất trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Kết quả phá án đã làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động và hành vi của các đối tượng có liên quan; triệt xóa 1 đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia gồm nhiều băng nhóm hoạt động dưới sự quản lý điều hành của 11 đối tượng cầm đầu (trong đó có 3 đối tượng quốc tịch Trung Quốc) và 49 đối tượng người Việt Nam giúp sức.
Tại đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với 3 công ty thanh toán trung gian và 28 địa điểm đồng thời triệu tập 60 đối tượng có liên quan để làm việc. Công an thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan: 2 xe ô tô, 1 xe mô tô phân khối lớn, phong tỏa giao dịch 11 bất động sản (trị giá trên 70 tỷ đồng), hơn 100 máy tính, điện thoại các loại và nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng khác; phong tỏa 88 tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Tổng số tiền các đối tượng phạm tội thông qua các công ty trung gian cho vay nặng lãi đến thời điểm bắt giữ là 20 nghìn tỷ, thu lợi bất chính số tiền trên 8 nghìn tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền trên 5 nghìn tỷ đồng.
Lực lượng chức năng thông báo: Những ai là bị hại của vụ án (vay tiền từ các ứng dụng nêu trên) liên hệ Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam, Điều tra viên: Lê Hữu Khánh SĐT: 0905.492.892 để được hướng dẫn. |