Sau khi đọc bài “Bất động sản (BĐS): Thời ăn xổi lụi tàn” và bài “BĐS: Không đảo nợ chỉ có phá sản?”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

Doanh nghiệp BĐS phá sản là chuyện bình thường?

Không đồng tình với câu kết của bài “Tuy nhiên, một ‘thùng nước lạnh’ bất đắc dĩ có khi cũng tốt để dập tắt cơn hứng khởi quá mức, giúp thị trường (BĐS) tỉnh táo lấy lại cân bằng”, email ngochuadq@gmail.com viết: “Một ‘thùng nước lạnh’ chưa đủ, theo tôi lĩnh vực này phải đặt một ống dẫn nước lạnh mới đúng. Làm ăn theo kiểu ‘chộp giật’ chỉ gây ra bất ổn thị trường. Đầu tư vào BĐS, một lĩnh vực không sinh thêm vật chất, không giải quyết thêm việc làm, thử hỏi lấy gì mà ăn, lấy gì mà tăng trưởng kinh tế?

Đây là ý kiến của email thanhoang68@vnn.vn: “Siêu lợi nhuận từ kinh doanh BĐS đã làm đủ các thành phần trong xã hội đổ xô vào BĐS trong những năm qua, đây là lĩnh vực mà tiêu cực tập trung nhất, gây nhiều bức xúc nhất, tập trung nhiều khiếu kiện nhất và tệ nhất là đã tiêu hao rất nhiều nguồn lực cần thiết để phát triển kinh tế đất nước, tất nhiên góp phần lớn làm kinh tế Việt Nam tụt hậu những năm qua. Bản thân BĐS không có lỗi mà đấy là do con người. Vấn đề đã kéo dài trong nhiều năm, nên chịu trách nhiệm trước hết là bộ máy quản lý nhà nước.”

Bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) phân tích quan hệ BĐS - ngân hàng: “Nếu doanh nghiệp phá sản thì tài sản doanh nghiệp sẽ bị mang đi đấu giá để thu hồi nợ (lạc quan lắm là thu hồi được 70% nợ). Khoản nợ không thu hồi được, người cho vay (ngân hàng) và nhà đầu tư chịu lỗ. Khổ nỗi, ông cho vay và ông đầu tư là 1 mới đau. Thông thường, để thành lập doanh nghiệp thường có 30% là vốn tự có (của nhà đầu tư), 70% là vốn vay (của ngân hàng). 2 "nhà" này là 1 thì doanh nghiệp thực tế là thuộc sở hữu của ông ngân hàng, chủ doanh nghiệp chỉ là danh nghĩa. Như vậy, nếu doanh nghiệp BĐS phá sản đồng nghĩa với ngân hàng phải chịu lỗ. Đảo nợ chỉ là "thủ tục nội bộ" của ngân hàng mà thôi. Cuối năm tổng kết ngân hàng lãi vài nghìn tỷ mà tổng vốn tới mấy chục nghìn tỷ, lãi trên vốn không quá 5%. Nếu trừ đi lạm phát, nói xin lỗi, lỗ sặc máu. Vì sao nói 2 "nhà" này là 1? Vì có nhiều công ty BĐS lúc mới thành lập vốn tự có chỉ vài trăm tỷ, sau khi "xin" được đất thì hàng chục nghìn tỷ từ ngân hàng ào ào tuôn vào những công ty này biến chúng trong thời gian siêu ngắn từ công ty nhỏ thành tập đoàn khổng lồ. Phần lớn các siêu dự án chính là thuộc sở hữu của ngân hàng. BĐS mà ‘sụp’ là ngân hàng ‘sụp’ và ngược lại, tôi dám cá điều đó đấy. Vì thế, cho đến giờ, mặc dù tình hình của cả BĐS và ngân hàng không mấy lạc quan nhưng chả ai sụp vì ‘ông là thằng mà thằng cũng là ông.”

Đồng tình với ý kiến trên, email trandanh_hn@yahoo.com viết: “Ngân hàng cứ việc cho vay vào BĐS dưới chuẩn, cứ việc đảo nợ và kết quả là có được lợi nhuận khổng lồ trên danh nghĩa nhưng mất thanh khoản trên thực tế. Làm sao mà hạ tỉ lệ lãi suất được. Các doanh nghiệp sản xuất làm sao chịu đựng nổi lãi suất cho vay này. Rút cuộc chỉ có nhân dân, cả nền kinh tế bị họ biến thành con tin. Tôi nghĩ cần phải cho phá sản các doanh nghiệp BĐS hay ngân hàng thương mại, chỉ cần nhà nước cam kết đảm bảo các quyền lợi gửi tiền tiết kiệm của dân chúng thì không có chuyện đổ vỡ dây chuyền được. Các năm 1994 - 1997 tại CH Séc cũng như một số nước Đông Âu, một số ngân hàng như Kreditni Bank, Monava Bank ... cũng được chính phủ Séc cho phá sản nhưng nền kinh tế và dân chúng không hỗn loạn”

Bạn đọc Ngọc Lan (email claire_portman@yahoo.com) tán thưởng: “Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp gần đây có nói, đại ý rằng "doanh nghiệp bất động sản phá sản cũng là chuyện bình thường thôi”.
(ảnh minh họa)
Với giọng hài hước, email abcphongx@yahoo.com.vn viết: “Tôi không nghĩ là phá sản mà là trở về trạng thái ban đầu. Khi trước anh là anh tay xe ôm phất lên nhờ BĐS thì giờ trở lại là anh xe ôm cũng bình thường thôi. Dù sao cũng sống được vài năm sung sướng rồi.”

Lời cảnh báo ngân hàng

Email nmoclan@yahoo.com viết: “Tôi còn nhớ cách đây 3 năm một số nhà kinh tế đã cảnh báo khẩn thiết tình trạng BĐS cung sẽ vượt cầu ở TP.HCM, sau đó là Hà Nội, nhất là nhóm chung cư cao cấp (mặc dù không thực sự cao cấp). Tuy nhiên lúc đó những ý kiến đó chỉ như vài giọt nước lạnh rơi tõm vào chảo dầu sôi sục các nhà đầu tư. Có người còn cho rằng đó là chiêu đánh xuống để người khác giãn ra còn mình ôm cả, thế là cứ lao đầu vào. Rồi một ngày viễn cảnh đó đã hiển hiện, từ tháng 4- 2011 đến nay, nhiều người giờ chắc vẫn không tin sao BĐS lại có thể ế sưng ế sỉa thế này?

Đã không còn làm được gì cho BĐS nữa, nhưng cảnh báo giờ là dành cho ngân hàng. Nếu các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào BĐS thì chính là đang ký vào bản án "tử" của chính mình sau 1-2 năm nữa. Và  Ngân hàng nhà nước cần quyết liệt thể hiện vai trò quản lý của mình ở thời điểm này là không cho dòng tiền đổ tiếp vào BĐS nữa, nếu không thì đổ vỡ thật sự sẽ rất khủng khiếp, và tất cả mọi người đều phải gánh chịu chứ không trừ một ai, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.”.


Đây là ý kiến email luyennv542037@yahoo.com.vn: “Rất nhiều khả năng các ngân hàng sẽ ngầm cho doanh nghiệp BĐS vay để đáo nợ hoặc gia tăng duy trì tài sản của họ tránh phải bán tháo để trả nợ. Cho vay đáo nợ cũng là vi phạm quy định của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng này sẽ lập các loại hồ sơ với nội dung không phải là cho vay BĐS để ‘lách luật’. Cách tốt nhất là tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các hồ sơ đã cho vay với số tiền lớn hoặc chỉ chấp nhận trả lãi không trả gốc.

Vấn đề trên làm sáng tỏ thì người dân mới được hưởng lợi, tránh lợi ích nhóm và tiền mới có thể đến được tay các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không phải BĐS. Lúc đó sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh sản xuất hàng hóa và hoàn thành kế hoạch năm 2012 và các năm tiếp theo.”


Email hoainam1510@gmail.com nêu thực tế đáng giật mình: “Cho đảo nợ lãi suất 21%/ năm thì càng chết hơn!”

Đây là ý kiến bạn đọc Minh Thanh (email minhthanh186@rambler.ru): “Mọi phía tham gia thị trường BĐS Việt nam đều gặp khó.
Rất khó khăn cho các công ty BĐS hiện nay. Tuyên bố phá sản thì không phải chịu tiếp lãi suất ngân hàng nhưng mất hết tài sản cầm cố cũng như chưa cầm cố tại ngân hàng. Tiếp tục đáo nợ ngân hàng thì cũng chỉ là kéo dài thời gian ‘hấp hối’ với tình cảnh nợ chồng nợ. Cách giải quyết tốt nhất là huy động mọi nguồn lực trả nợ cho ngân hàng rồi sau đó nằm im, các công trình đắp chiếu. Phía ngân hàng gắn chặt với doanh nghiệp BĐS cũng chẳng sung sướng gì, phải phù phép chứng từ  để nuôi con nợ, trong khi đó vẫn phải trả lãi suất cho đầu vào. Cho nên dù ngân hàng có báo cáo đẹp nhưng thanh khoản rất yếu, luôn phải tìm cách phá rào lãi suất để huy động tiền. Bản chất khó khăn hiện nay là giá BĐS của Việt Nam quá cao, vượt khả năng chi trả của đại đa số dân chúng , dòng tiền đổ vào tiếp không có. Mặt khác bên muốn mua BĐS cũng chẳng được lợi gì nhiều, giá BĐS có giảm thì cũng sẽ giảm rất ít.

Cội nguồn của mọi khó khăn hiện nay do cách quản lý đất đai của Việt Nam làm khó cho chính chúng ta, một mặt tạo ra cơ chế xin- cho, nguồn gốc của tham nhũng, thất thoát tài sản, mặt khác ngay cả nhà nước cũng vô cùng khó khăn thu hồi mặt bằng kể cả có giá cao ngất ngưởng vẫn khiếu kiện tràn lan, thậm chí  xung đột đổ máu. Chính quyền đã sai lầm khi đánh giá giấy phép của mình (tức QSD đất)  quá cao, trong khi trên thực tế mỗi mảnh đất ở Việt Nam đều đã có người chủ sử dụng hợp pháp bao năm nay (dù không có sổ đỏ). Thủ tục giấy tờ phức tạp, giá quá cao đẩy mọi hoạt động trong lĩnh vực này vào bóng tối.

Hướng giải quyết phải nên làm như đại đa số các nước khác trên thế giới là công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân, công nhận tài sản đất đai do cha ông để lại, hoặc đất đai đang sử dụng ổn định. Không thu phí - hoặc phí rất thấp- làm giấy chứng nhận quyền sở hữu đó. Nhà nước công nhận và bảo vệ tài sản BĐS của công dân nhưng công dân phải nộp thuế hàng năm cho tài sản đó, bằng 0,5-1% trị giá.  Anh ở nhà to đẹp 20 tỷ tại trung tâm thành phố thì phải nộp thuế hàng năm là 200 triệu đồng. Anh kêu không có tiền nộp thuế, bán nhà đi, gửi tiết kiệm, chuyển về khu đất công mà ở, thuế thấp hơn… Nhà nước luôn tạo điều kiện để lập công bằng trong xã hội.

Làm như vậy, giá nhà sẽ hạ rất nhanh, người lao động sẽ có cơ hội mua được nhà. Mặt khác có thuế, hiện tượng  đầu cơ đất đai  sẽ biến mất.”


Với giọng nuối tiếc, email lanhuong@yahoo.com viết: “Nếu từ sớm cách đây 2 hoặc 3 năm, nhà nước cứ dẹp BĐS qua một bên, dẹp lợi ích nhóm một bên, lo thúc đẩy kinh tế ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án tốt (lúc đó, tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam còn có thể lấn mạnh vào hàng ngoại, công ty ngoại), thì bây giờ đâu đến nỗi...”

Email onglaogia@yahoo.com đề nghị: “Nhà nước phải đánh thuế cao đối với người nào sở hữu từ cái nhà thứ 2 trở lên. Đầu cơ nhà đất hốt vàng thì bây giờ phải hạ cánh. Đại gia bất động sản giàu sụ nhờ chém gió giá cả thì giờ phải chịu không có lời thôi. Giá công lao động thấp mà giá nhà quá cao là bất hợp lý.”

“Đại gia BĐS lúc nào cũng ‘đồng hành’ với ngân hàng: "Tiền thì anh nhiều, có điều là chú phải ngoan". Bao giờ cái bong bóng nổ tung thì khi ấy lại gõ đầu  nhân dân: chịu thêm vài triệu đồng trên đầu người, nhà nước cũng không cứu được đâu”, đó là ý kiến của email thanhdo@yahoo.com.

Ban Bạn đọc