Bật khóc khi tour quốc tế khởi hành
Đầu tháng 4/2022, đoàn khách Việt gồm 12 người lên đường đi Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Đây là tour quốc tế đầu tiên của Công ty Du lịch Việt sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Ngày hôm đấy, từ hướng dẫn viên, bộ phận kinh doanh cho tới lãnh đạo DN đã bật khóc khi thấy tour xuất ngoại thành công.
Dẫu vậy, chỉ có 20% nhân sự công ty là có thể đợi đến ngày chứng kiến những chuyến bay du lịch trời Tây cất cánh trở lại, bởi 80% người cũ đã nghỉ việc, chuyển nghề khác vì áp lực mưu sinh.
“Mọi cảm xúc vỡ òa. 2 năm là quá dài. Người dẫn tour đã làm việc tới gấp đôi năng suất để thổi hồn vào chuyến đi đó vì anh ấy quá nhớ nghề”, bà Phạm Phương Anh - Phó TGĐ Công ty Du lịch Việt nói tại hội thảo bàn về nguồn nhân lực ngành sau dịch Covid-19.
Cũng trong tình trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Anh Phi - Tổng giám đốc Thiên Hồng Hotel, cho biết, đơn vị đang thiếu 30% nhân sự. Do thời gian đóng cửa kéo dài, nhân viên đã chuyển ngành khác nên khó quay lại nghề cũ. Nhiều lao động cũng chưa thực sự yên tâm bởi họ lo ngại sự ổn định của ngành du lịch trước biến động khó lường từ yếu tố dịch bệnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nhân lực du lịch đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng cũng như số lượng. Nguyên nhân chính do chuyển dịch nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương trong thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Ước tính, 80% nhân sự đã nghỉ việc hoặc chuyển nghề.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Quý Phương thông tin, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động ngành với 800.000 lao động trực tiếp. Đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lực lượng hướng dẫn viên, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, các DN lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch...
Giải bài toán nhân sự du lịch
Thống kê cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4–3/5), đã có khoảng 5 triệu lượt khách nội địa đi du lịch, trong đó có 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Chỉ riêng trong 1 tháng mở cửa (từ 15/3-15/4), lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, đạt 41.000 lượt, chiếm hơn 40% trên tổng số người nước ngoài nhập cảnh.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google chỉ ra, đang có sự gia tăng nhanh lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trong 1 tháng sau khi chúng ta chính thức mở cửa. Thời điểm ngày 1/3, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ, đến giữa tháng 3 tăng lên 40%, đầu tháng 4/2022 vọt lên 114% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Những con số trên hứa hẹn ngành du lịch phát triển trong năm 2022 và thời gian tới.
Tín hiệu đáng mừng là vậy nhưng khi lượng khách du lịch tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè cũng như mùa du lịch quốc tế vào dịp cuối năm sẽ tạo áp lực không nhỏ với những địa phương mà bài toán nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa kịp phục hồi.
TS. Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, đánh giá, sau đợt nghỉ lễ dài ngày vừa rồi có thể thấy, các điểm đến bộc lộ những điều làm du khách nhiều khi không hài lòng. Một phần do cơ sở vật chất, tiếp đó là cách ứng xử, phục vụ.
Những điểm nóng như Phú Quốc, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu mở lại resort, khách sạn, cơ sở lưu trú nhưng thiếu rất nhiều dịch vụ kèm theo. Những khách sạn 4 sao, 5 sao có thể đẹp nhưng nhân viên một số điểm chưa chuyên nghiệp.
So sánh với Thái Lan, điều kiện tự nhiên, bãi biển không đẹp bằng nước ta nhưng họ thu hút được rất nhiều khách du lịch. Đó là bởi người Thái biết cách làm để du khách móc hầu bao ra chi tiêu và ở lại lâu hơn. Mấu chốt ở sự phục vụ chuyên nghiệp của người làm du lịch, khiến du khách hài lòng, đồng thời, sáng tạo sản phẩm đa dạng để tạo sự tò mò.
Từ những lý do trên, Đại học Văn Hiến đang phối hợp với các công ty du lịch đẩy mạnh học kỳ doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và đào tạo thực tế. Sinh viên phải thực tập 3-6 tháng rồi chính các giám đốc đơn vị lữ hành là người chấm điểm công nhận học lực cho sinh viên. Đây sẽ là đội ngũ nhân sự sớm bổ sung cho ngành công nghiệp không khói.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng giám đốc Saco Travel, cho hay, DN này phối hợp với các cơ sở đào tạo để chủ động nguồn nhân lực có chuyên môn. Lãnh đạo công ty mong muốn, sinh viên thực tập nhiều hơn để cọ xát, trải nghiệm. Bởi, nếu sinh viên mạnh về lý thuyết nhưng yếu về thực hành thì vẫn khó giải quyết được câu chuyện thiếu nhân sự. Chưa kể, DN mất thêm thời gian đào tạo nhân viên mới, đôi khi đào tạo xong rồi lại nhảy việc hoặc chuyển công ty khác.
Trước mắt, ông Nguyễn Hoàng Anh Phi cho rằng, có thể một người làm kiêm nhiều việc nhằm bù đắp thiếu hụt nhân sự tạm thời. Về lâu dài, để giữ chân lao động, ngoài chính sách lương bổng cần có phúc lợi đi kèm như chăm sóc sức khỏe, đào tạo để nhân sự có cơ hội thăng tiến trong công việc. Đây là động lực giữ chân lao động cũ và lôi kéo lao động mới.
Ông Nguyễn Quý Phương cũng khẳng định, các địa phương và DN du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại với nghề. Song song đó, có kế hoạch đào tạo bổ sung mới, chú trọng nhân sự là người dân địa phương để ưu tiên tuyển dụng, đào tạo. Bên cạnh đó, thiết lập mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực giữa các địa phương, liên kết nhân lực khu vực là cần thiết lúc này.
Trần Chung