- Không ngoài dự đoán nhưng vẫn bất ngờ, đó là phản ứng của nhiều giáo viên và học sinh với đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm nay.
Thí sinh xem số báo danh trước buổi thi |
Bất ngờ: Mang "phao" cũng vô hiệu
Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn có 2 câu hỏi.
Câu hỏi 3 điểm lấy ngữ liệu là một đoạn trích trong bài báo viết về chủ đề "Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang shiyou-981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam". Câu hỏi 7 điểm có ngữ liệu từ vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
"Thời sự" - là nhận xét của hầu hết mọi người khi được hỏi về điều này.
Nếu như chủ đề trong câu hỏi số 3 được nằm trong dự đoán thì phần "Làm văn" chiếm 7 điểm lại là một bất ngờ lớn với cả thầy cô và học trò.
Cô giáo Lê Thị Nhung, Trường THPT Lê Viết Tạo (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đề thi này có 3 điểm mới: mới về cấu trúc, mới về cách đưa câu hỏi thời sự và mới về cách tích hợp "nghị luận văn học" với "nghị luận xã hội".
Với đề thi này, học sinh có mang tài liệu hay quay cóp "phao" cũng không biết làm thế nào" - cô giáo Nhung nhận xét.
Bất ngờ: Ra tác phẩm kịch, ở phần đọc thêm
Bàn về câu hỏi chiếm 70% điểm số bài thi, thầy Hoàng Sĩ Hồng, Trường THPT Phan Thúc Trực (Nghệ An) cho biết, các thầy cũng đã dạy cho học trò thông qua đoạn trích vở kịch này để về nhận thức giữa bên trong, bên ngoài và khát vọng được sống là mình –trọng tâm của đoạn trích văn bản đề thi đưa ra.
Tuy nhiên, do lâu nay, các đề thi thường chỉ ra những câu hỏi về lĩnh vực thơ, văn, truyện ngắn kịch và các thể loại sân khấu ít và thậm chí không được nhắc đến, nên đây là vấn đề bất ngờ đối với học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên văn Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương cho rằng việc đưa kịch bản văn học vào dạy trong trường học đã có từ năm 2009. Nhưng tác phẩm thể loại này nhưng chưa hề đưa vào đề thi đại học, đến nay được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT là điều cô chưa nghĩ tới.
Thí sinh Đào Duy Anh, hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) cho rằng, so với câu thứ nhất 3 điểm là một câu hay, thời sự, ý nghĩa thì câu hỏi thứ 2 tương đối lạ, ít được nhắc đến.
“Thường ngày, chúng em chỉ ôn những với đề tài trọng tâm, những bài học về quê hương đất nước, cách mạng như Rừng Xà Nu, Tây Tiến, Việt Bắc, Những đứa con trong gia đình….Còn đây là một đề văn về một thể loại kịch. Khi nhận được đề văn, cả phòng thi đều rối. Hơn nữa, đây là kiểu đề tích hợp kết hợp nghị luận văn học và nghị luận xã hội, kiểu đề mà chúng em ít được học và ôn”.
PGS Văn học Trần Hữu Tá, một người thầy của nhiều giáo viên môn văn phân tích:
Chắc chắn học sinh sẽ lúng túng, vì vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một vở kịch mang tính ẩn dụ cao, không dễ bóc tách tầng lớp ý nghĩa của nó.
Dù rằng rất hay nhưng khi ôn tập chắc chắn sẽ không được chú trọng. Học sinh khó đạt được điểm cao.
Tôi e ngại, hầu hết học sinh không biết đến vở kịch một cách trọn vẹn. Đây chỉ là đoạn trích và đoạn trích không thể đại diện chung cho một vở kịch.
Hơn nữa, đoạn trích này nằm trong chương trình học thêm. Việc giảng trích đoạn vở kịch đòi hỏi công của người thầy giáo rất lớn, làm sao để học sinh nắm được giá trị tinh thần toàn tác phẩm, đến đoạn trích và tháo gỡ từng câu trích.
Văn học: Hồn ở đâu bây giờ?Một yếu tố thức thời khác cũng đạt được ở đây là tính "tích hợp" - xu thế dạy học theo chủ trương đổi mới giáo dục mà Bộ GD-ĐT đang hướng đến.
Trao đổi với VietNamNet sau khi buổi thi kết thúc, nhiều giáo viên đánh giá đề thi có những ưu điểm như: có tính thời sự, gần gũi với đời sống; câu hỏi rõ ràng, không đánh đố; có tính định hướng trong việc giảng dạy, cụ thể là hướng tới rèn luyện kỹ năng viết cho học sinh nhiều hơn.Tuy nhiên, phần tác giả - tác phẩm văn học, vốn là nội dung quan trọng của chương trình học không còn chiếm tỉ trọng lớn trong đề thi. Điều này cũng gây nhiều ý kiến tranh cãi.
Cô giáo Quách Thị Thủy (hội đồng thi Bá Thước – Thanh Hóa) chia sẻ:
“Theo tôi, trong tương quan giữa 2 phần của đề thi thì yêu cầu nghị luận xã hội được chú trọng nhiều hơn. Hướng ra như thế hạn chế được việc học sinh sử dụng tài liệu, đánh giá chính xác về khả năng tư duy và xử lí đề của học sinh, đưa môn văn gần hơn với đời sống. Tuy nhiên, nếu duy trì đề thi theo hướng này, học sinh có lẽ sẽ không ôn tập nhiều, ít chịu tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm văn học, bởi thế, cách dạy và học văn cũng sẽ thay đổi”.
Cô Cao Kim Loan, giáo viên dạy văn tại TP.HCM cho biết, định hướng đề thi như thế này đòi hỏi các em phải có kiến thức xã hội nhiều.
"Có khi tích hợp các môn giáo dục công dân, lịch sử thành môn văn, chúng tôi lai nhàn" - một cô giáo dạy văn nói vui.
"Hơi tiếc" - một cô giáo khác thốt lên khi chỉ ra tỷ lệ "khiêm tốn" của phần văn học trong tổng thể đề thi này. Theo cô, với xu hướng này, những giá trị không đo đếm được của "cái đẹp" trong nghĩa của từ "văn" sẽ bị giảm thiểu.
Giàn khoan mà phía Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam có tên đầy đủ là 海洋石油981, Bính âm: Hǎiyáng Shíyóu 981 Âm Hán Việt là Hải dương Thạch dầu 981 (Dầu mỏ Hải Dương 981). |
- Song Nguyên - Lê Huyền - Văn Chung