Từ ngày 27 - 29/9, tôi tham gia chuyến famtrip “Bất ngờ Vĩnh Long” do công ty Focus Travel tổ chức. Đã tham dự hàng trăm famtrip cả trong lẫn ngoài nước, tôi vẫn “việt vị” vì nhiều thứ và choáng bởi bao điều mới mẻ, sinh động từ thực tiễn.
Bất ngờ từ một cuộc thi
Chuyến đi được thực hiện ngay sau lễ tổng kết cuộc thi viết “Chuyện của những dòng sông” - một cuộc thi với chủ đề quen nhưng rất lạ và nhiều điều bất ngờ.
Chưa đầy 4 tháng, có 472 bài dự thi và hưởng ứng chất lượng. Bình quân mỗi ngày Ban tổ chức nhận 5 bài. Qua từng bài viết, những dòng sông quen thuộc bỗng cựa mình sống dậy bao hoài niệm với đủ cung bậc thú vị, thăng trầm.
Các tác giả, nhỏ tuổi nhất là U20, lớn tuổi nhất là U80, đủ thành phần, từ khắp mọi miền đất nước. Có những cây bút mới toanh bên cạnh những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, bloger, facebooker,… nổi tiếng.
Mở đầu buổi lễ là sự kiện ra mắt sách “Chuyện của những dòng sông”. Sách dày gần 400 trang, được minh họa bởi nhiếp ảnh gia lão luyện Dương Minh Long với nhiều ảnh đẹp và quý trong suốt hàng chục năm cầm máy.
Giá bán sách là 280.000 đồng và 600.000 đồng (bản đặc biệt). Sách được nhiều khách hàng đặt mua khi đang biên tập và đã bán hết trong mấy ngày. Đó là chuyện chưa từng xảy ra trong các cuộc thi viết lẫn ngành xuất bản.
Nhiều người cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng có nhiều thế mạnh mà mạnh nhất là “mạnh ai nấy làm”. Điểm nghẽn lớn nhất của du lịch Việt Nam là thiếu liên kết ngay trong ngành. VietNamNet và Focus Travel đã cố phá bỏ nếp cũ khi đồng hành tổ chức cuộc thi. Trong lễ tổng kết có tọa đàm nhỏ “Giong buồm”, nói lên khát vọng cùng liên kết để phát triển du lịch đường sông bền vững.
Hai ngày sau lễ tổng kết, famtrip “Bất ngờ Vĩnh Long” được tổ chức với đủ thành phần liên quan tới du lịch. Chủ lực là giới truyền thông và lữ hành.
Chủ tịch Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ tình nguyện làm hướng dẫn viên đường bộ từ TPHCM xuống. Giám đốc Mekong Travel Phạm Thị Út Trinh xung phong làm hướng dẫn viên đường thủy tại Vĩnh Long.
Vĩnh Long và du lịch đường thủy
Đoàn ăn nghỉ tại tàu du lịch đường sông 5 sao La Marguerite trên dòng Cổ Chiên và đi thuyền nhỏ tham quan các điểm. Thời gian không nhiều nhưng đủ làm choáng ngợp từng thành viên.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long duy nhất còn lại của Tây Nam Bộ, hát bội bán chuyên chỉ Vĩnh Long mới có đều khiến người ta nao lòng. Nhà gốm đỏ Tư Buôi, kiểu nhà truyền thống Nam Bộ rộng hơn trăm mét vuông với hàng ngàn cổ vật, cả nước không đụng hàng.
Nhà dừa CocoHome cũng là nhà truyền thống Nam Bộ, rộng gần 200m2 được làm từ 4.000 gốc dừa cổ, từ 80 tuổi trở lên. Tất cả vật liệu đều từ cây dừa. Từ nền nhà, bàn ghế, tủ, kệ, cột, kèo, tường, mái đến tranh, tượng, đèn trang trí, chén, đũa,… đều bằng dừa. Thức ăn chế biến từ dừa. Không gian tràn ngập dừa. Đến người cũng phảng phất hương dầu dừa.
Độc đáo hơn cả là những lò gạch hoang trải dài ven sông Cổ Chiên mà huyện Măng Thít được xem là thủ phủ. Giữa đầu thế kỷ XX, cả tỉnh có 2.284 lò gạch với mấy ngàn nhân công.
Sinh sau, đẻ muộn, lò gốm ra đời từ năm 1983, nhanh chóng phát triển song hành với gạch, xuất khẩu qua nhiều nước. Địa phương nào, từ quê đến tỉnh, cũng đều có mặt sản phẩm gạch gốm Vĩnh Long.
Mười năm trở lại đây, vì nhiều lý do nên sản xuất đi xuống, hơn 1.250 lò gạch bị đập bỏ. Cả tỉnh còn lại 850 lò, trong đó huyện Măng Thít còn 649 lò (có hơn 63 lò đang hoạt động) trên diện tích 330ha.
Dù chỉ còn 1/4 so với thời hoàng kim nhưng những lò gạch gốm Măng Thít vẫn là những nét chấm phá vững chắc, tự tin khẳng định thương hiệu du lịch lâu nay bị lãng quên, đang được đánh thức.
Những lò gạch gốm làm ửng hồng cả vùng, nhất là lúc bình minh và hoàng hôn, ngỡ lạc vào Mandalay ở Myanmar. Các lò gạch Nam Bộ truyền thống hình tròn, mái vòm, đường kính lọt lòng từ 6,3 - 8,1m, cao từ 9 - 13,5m. Tường lò dày khoảng 1,8m (phần dưới) - 0,9m (phần đỉnh). Lò được chọn ngày khởi công, chọn thợ, chọn hướng.
Khoảng 20 - 40 công nhân làm việc cật lực và hoàn thành việc xây lò từ 15 - 20 ngày. Mỗi lò sử dụng từ 250.000 - 400.000 viên gạch, tùy kích cỡ. Từng lò có khả năng nung gạch ống tương đương với số lượng xây lò, còn với gạch thẻ thì số lượng gấp rưỡi trở lên. Từ nào tới giờ, các lò gạch Nam Bộ chỉ đốt bằng trấu vì rẻ. Gạch ống đốt khoảng 45 ngày đêm, gạch thẻ 70, gạch tàu là 90.
Khi nung, miệng lò được bít kín, có ống khói thông hơi, độ nóng lên dần 2.500 - 2.800 độ C, bỏ xa các loại khí đốt nên chất lượng gạch thủ công ăn đứt mấy lò tuynel đốt khí. Lò đốt xong để nguội từ 10 ngày (gạch ống) - 30 ngày (gạch tàu) mới mở lò, xuất xưởng, tiêu thụ khắp nước và xuất khẩu. Tro trấu đóng bao, bán cho nhà vườn. Lò được vệ sinh và tiếp tục vòng đời mới.
Điểm nhấn của famtrip là hai buổi tọa đàm trên tàu. Không gian thân mật, cởi mở, đúng nghĩa tọa đàm. Không bàn chủ tọa, chỉ có dẫn chương trình, không có tài liệu hay đề dẫn, đại biểu thoải mái trao đổi xoay quanh nội dung phát triển, để Vĩnh Long trở thành trung tâm du lịch đường sông bền vững của Tây Nam Bộ và cả nước.
Nhà đầu tư bước đầu đã có. Chính quyền cam kết hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể. Người dân thật lòng muốn tham gia. Có cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Sông nước Tây Nam Bộ, tỉnh nào cũng chằng chịt. Tàu thuyền cỡ La Marguerite đã có hàng chục chiếc và có thể đóng thêm. Cốt lõi là sự khác biệt tích cực từ những sản phẩm du lịch đặc trưng trên bờ. Vĩnh Long có đủ.
Mekong Travel và homestay Nhà cổ Út Trinh tiên phong làm mới sản phẩm. Khách xách đèn dầu đi nghe đờn ca tài tử và cầm đuốc đi nghe hát bội.
Diễn viên không cần micro. Nội dung diễn ngắn, súc tích, có diễn giải để khách chủ động thưởng thức, trải nghiệm xem nghệ sĩ hóa trang, tìm hiểu từng nét diễn và thực hành mấy động tác hát bội đơn giản,…
Nhà dừa CocoHome có phòng lưu trú bằng dừa, kết nối các vườn trái cây, làng nghề thủ công chọn lọc của Vĩnh Long và vùng phụ cận.
Đặc biệt, dự án trọng điểm “Công viên gạch gốm Măng Thít” với nhà trưng bày lịch sử làng gạch gốm, trải nghiệm sáng tạo sản phẩm gốm, bộ sưu tập trò chơi dân gian Việt Nam,… Ngoài cây xanh môi trường là những đường gạch, nhà, quán, trụ điện, ghế nghỉ,… đều bằng gốm.
Các lò gạch gốm bỏ hoang được hóa thân thành “cà phê lò gạch”, “quán ăn lò gốm”, phòng ngủ 5 sao và cả lò gạch gốm đang hoạt động.
Mọi thứ được quy hoạch chỉn chu, đồng bộ làm nên diện mạo công viên độc đáo có một không hai, chỉ Việt Nam mới có. Đo đạc, làm bản đồ các điểm đến và thời khóa biểu du lịch của Vĩnh Long và Măng Thít từng tháng để du khách và công ty lữ hành chọn lựa.
Xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long từ 1 ngày đến 1 tuần, cả đường thủy lẫn đường bộ. Sau famtrip, Focus Travel đang trao đổi với chính quyền Vĩnh Long, mời các chuyên gia thực tiễn, bàn những việc cụ thể, cần làm ngay.
Sức lan tỏa của cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” và kết quả famtrip “Bất ngờ Vĩnh Long” cần có thời gian thẩm định nhưng tôi tin chắc du lịch Vĩnh Long đang bước sang trang mới.
Nếu được mọi người chung tay, nỗ lực, không quá khó để Vĩnh Long trở thành trung tâm du lịch đường sông Tây Nam Bộ.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng