Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 2 bài Đồng Nai - Từ con sông văn hóa đến điểm tựa kinh tế của tác giả Hà My .

Bài 1: Lần theo ký ức dòng sông

Bài 2: Thách thức cho sự phát triển

Những "bí ẩn" chờ giải mã

Khởi nguồn từ những mạch nước, con suối nhỏ trên các đỉnh núi Langbiang (Lâm Đồng), dòng Đạ Dâng hòa cùng sông Đa Nhim để tạo nên con sông Đồng Nai huyền thoại dưới thác nước Pongour. Và từ đây, con sông Đồng Nai dài 586km qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và mang trong mình sứ mệnh dẫn dòng tìm đường ra biển lớn ở cửa Cần Giờ (TP.HCM) 

Ẩn chứa bên trong dòng sông còn là những dấu ấn văn hóa vô giá vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Nó chứng minh sức sống mãnh liệt, sợi dây kết nối lịch sử đến hiện tại bên dòng sông mẹ.

anh2hamy.jpg
Sông Đồng Nai đi qua rừng Cát Tiên ở xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, bên cạnh là làng của người S'Tiêng. Ảnh: Hà My

Ông Biết, 62 tuổi, vào lập làng kinh tế mới đầu tiên ở xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên sống cạnh một gò đồi bên sông Đồng Nai vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Ông cho biết, những buổi khai phá đất hoang khu vực dọc sông, người dân thường phát hiện những viên gạch hay di vật lẫn trong đất và cây bụi. Năm 1985, khi đoàn điền dã của Bảo tàng Lâm Đồng xuống thì được người dân tiết lộ, từ đó nhiều cuộc khai quật quy mô được thực hiện. Tuy nhiên 40 năm qua, chủ nhân và nhiều điều liên quan đến thánh địa này vẫn còn là điều bí ẩn, chưa được giải mã.

"Quá trình khai quật khảo cổ học, người dân chúng tôi được thuê dọn phát bụi rậm, đào đất dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Đến đoạn nào quan trọng thì họ sẽ trực tiếp xuống đào", ông Biết nói và cho biết thêm bộ Linga - Yoni lớn nhất Đông Nam Á được tìm thấy trong bối cảnh như thế. 

Không chỉ đôi bờ con sông với hàng loạt di chỉ khảo cổ học được tìm thấy như Dốc Chùa, Cù lao Rùa, Cây Gáo, Giồng Cá Vồ..., người dân còn phát hiện những di vật như bình gốm, tượng thần nằm sâu dưới đáy sông bị đất cát vùi lấp. Tại Bảo tàng Đồng Nai vẫn còn lưu giữ bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa. 

Tượng thần Vishnu được phát hiện đầu tiên năm 1976 chỉ có một chân đế bằng đá có dính hai bàn chân trần trong quá trình công nhân Xí nghiệp khai thác cát Hóa An múc cát trên sông Đồng Nai. Đến tháng 2/1977, cũng tại địa điểm này, các công nhân tiếp tục tìm thấy phần thân tượng, khi gắn kết thì thấy khớp sát sao với phần chân đế. 

Nguồn gốc của các di vật trên vẫn còn "bí ẩn" nhưng theo các chuyên gia, nó chứng minh rằng dòng sông Đồng Nai đã nhộn nhịp tàu bè giao thương từ lâu. Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân đôi bờ phong phú, giao thoa văn hóa giữa các nước trong khu vực. Đó cũng là tiền đề cho Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Cảnh theo đường biển, dong thuyền ngược dòng Đồng Nai vào thiết lập hành chính vùng đất Biên Hòa - Gia Định năm 1698. 

Giữ rừng cho sông

Chính những bí ẩn văn hóa kỳ bí ấy, dòng sông Đồng Nai luôn khiến nhiều nhà thám hiểm tò mò để "giải mã", Henri Maitre, một nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp đã từng chinh phục dòng sông này. Trong sách Rừng người thượng của ông xuất bản đầu thế kỷ XX, bản dịch Lưu Đình Tuân mô tả một đoạn sông Đồng Nai phía thượng nguồn như sau: "Sông Đa Nhim và Sông Đạ Dâng hợp lại tạo thành một dòng thác đẹp dữ dội, chen vài đoạn hiếm hoi và ngắn tĩnh lặng, còn thì khắp lòng sông toàn đá khối, ghềnh, thác..."

anh5hamy.jpg
Tiến sĩ Trần Văn Mùi hướng dẫn cố Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Vườn quốc gia Cát Tiên năm 1996. Ảnh: NVCC

Với đặc điểm này, từ lâu sông Đồng Nai được đánh giá có tiềm năng thủy điện lớn thứ 2 cả nước sau sông Đà, được quy hoạch 9 bậc thang thủy điện trên dòng chính nó đi qua, chưa kể những nhà máy ở chi, phụ lưu như La Ngà, sông Bé. Theo Bộ Tài nguyên môi trường, trên lưu vực sông Đồng Nai có tổng cộng 58 công trình thủy điện, thủy lợi quy mô lớn do Bộ quản lý.

Tuy nhiên việc "đánh đổi" phát triển thủy điện và bảo vệ môi trường cũng khiến nhiều nhà quản lý phải đau đầu. Tiến sĩ Trần Văn Mùi, 65 tuổi, một trong những giám đốc đầu tiên của Vườn quốc gia Cát Tiên gắn bó với dòng sông Đồng Nai cho biết những ngày đầu tiếp quản công việc khoảng 1995 rất khó khăn. Vừa phải bảo vệ rừng, ông Mùi còn là một "dân vận khéo" khi phải tiếp xúc với người dân tộc bản địa đang sinh sống ở vùng lõi, vận động họ ra khỏi bìa rừng, an cư lạc nghiệp. Hai năm sau, Đồng Nai quyết định đóng cửa rừng, là một trong những tỉnh thực hiện đầu tiên của cả nước.

Ông Mùi nhớ lại, những ngày ông vào "ăn ở với rừng" bên dòng Đồng Nai cũng là lúc thông tin chuẩn bị làm Nhà máy thủy điện Đồng Nai 8. Diện tích tính toán khi chặn đập trên sông Đồng Nai sẽ có thể mất đi một khoảnh rừng Nam Cát Tiên rộng lớn, nhiều vùng quê mới cũng phải di dời. "Năm 1996, nhân chuyến thăm Vườn quốc gia Cát Tiên của cố Tổng bí thư Đỗ Mười, giám đốc vườn mạnh dạn xin phép chính phủ xem xét việc bỏ quy hoạch Thủy điện Đồng Nai 8 để cứu rừng. Đến 15 năm sau thì dự án này cũng được Chính phủ chính thức đưa ra khỏi quy hoạch", ông Mùi nói.

Sau này khi dự án Thủy điện 6, 6A rục rịch xây dựng ảnh hưởng đến khu vực rừng Cát Lộc, uy hiếp Khu Ramsar Bàu Sấu, ông Mùi vẫn tiếp tục chung tay với các nhà môi trường, lãnh đạo các địa phương vùng hạ du lên tiếng để dự án phải dừng lại. Chính những cố gắng giữ rừng ấy, sáng 21/6/2024, Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng 71.000 ha vinh dự đón nhận danh hiệu Danh lục Xanh do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận. Danh lục Xanh là bộ tiêu chuẩn toàn cầu nhằm xác định các khu bảo tồn đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công.

Suối nguồn dung nạp những phận người

Không phải dự án thủy điện nào ông Mùi cũng phản đối, đơn cử khi Nhà máy thủy điện Trị An (với tổng công suất thiết kế 4000 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh) được xây dựng trên bậc thang cuối cùng phía hạ lưu sông Đồng Nai vào năm 1984. Thời điểm đó, ông Mùi còn là chàng trai trẻ mới ra trường đang là cán bộ Lâm trường Hiếu Liêm nên rất nhiệt tình giúp đỡ các cán bộ vào tiền trạm phục vụ đắp đập, xây hồ. "Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nền kinh tế thời kỳ đầu mở cửa. Ngoài phục vụ sản xuất điện, hồ Trị An còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt, công, nông nghiệp cho Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM, đẩy mặn, thoát lũ...", ông Mùi nói.

anh3hamy.JPG
Thánh địa Cát Tiên nằm bên sông Đồng Nai qua xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Ảnh: Hà My

Nhớ lại những tháng ngày trên công trường thủy điện Trị An 40 năm trước, bà Tấn Thị Hệ (60 tuổi, ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) vẫn không quên không khí rộn ràng giữa lòng sông Đồng Nai với hàng nghìn chuyên gia nước ngoài, kỹ sư, công nhân.

Bà Hệ lúc ấy chỉ là cô gái 20 tuổi từ Hải Dương vào nam, làm trong tổ sản xuất hậu cần cho công trường nên bà thường có mặt khắp các khu vực. "Đất nước mới thống nhất nên còn khó khăn nhưng công nhân làm thủy điện Trị An rất được nhà nước quan tâm. Tuy công việc có vất vả, khổ cực, có người phải đánh đổi bằng máu nhưng ai cũng hạnh phúc khi thấy dòng điện hòa lưới điện quốc gia", bà Hệ nói.

Từ những lần đưa cơm ra công trường năm tháng ấy, bà quen và kết duyên với người chồng hiện tại. Ngày cưới ở khu tập thể bên công trường, bạn bè chung vui toàn là những kỹ sư công nhân của nhà máy. Sau khi thủy điện Trị An phát điện thì vợ chồng bà chọn Hiếu Liêm ngay dưới chân đập làm quê hương thứ 2 của mình để lập nghiệp. "Mỗi ngày qua nhà máy, thỉnh thoảng tôi vẫn bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân gắn bó trên khúc sông này, ở đó có thác nước Trị An rất đẹp, mỗi lần dạo chơi nước tung bọt trắng xóa", bà Hệ nói và cho biết vài năm nữa thôi căn nhà hiện tại của bà cũng sẽ nằm dưới lòng hồ khi nhà máy Trị An mở rộng giai đoạn 2.

Lòng hồ rộng lớn từ đó dung nạp hàng trăm phận người Việt kiều từ Campuchia về sinh sống mưu sinh ở khu vực La Ngà, Suối Tượng, Thanh Sơn. Từ ngày 1/7/2024, niềm vui đến với họ khi sẽ được cơ quan chức năng làm căn cước công dân theo Luật Căn cước năm 2023.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hài, 40 tuổi, hành nghề đánh cá trên hồ Trị An cùng 3 người con sống trên nhà bè rộng chừng 25m2 ở Suối Tượng, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Căn nhà bằng bè trên hồ được anh dựng lên vào năm 2018 sau khi cùng vợ con vượt 5 ngày đêm lênh đênh từ Biển Hồ (Campuchia) theo dòng Mê Kông về Việt Nam, rồi ngược dòng Đồng Nai lên với hồ Trị An. "Có giấy tờ để con cái còn được đi học, có xin việc làm cũng dễ dàng hơn là cứ long đong trên lòng hồ vô định này nên ai cũng vui mừng", anh Hài nói.

Cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, hồ Trị An tạo thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận năm 2011 rộng 756.000 ha đang thực hiện mô hình phát triển bền vững theo phương châm "Bảo tồn cho phát triển - Phát triển để bảo tồn". Hồ Trị An với 32.000 ha, mới đây cũng được Chính phủ quy hoạch thành khu du lịch quốc gia trong tương lai khi lợi thế bên cạnh Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. 

"Để bảo vệ nguồn nước buộc phải giữ rừng, trồng thêm rừng và có những chính sách quy hoạch phù hợp để đảm bảo nguồn nước thượng nguồn, vì nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống và nền kinh tế phía hạ du", ông Mùi nói. 

Hà My 

Mời quý độc giả đón đọc Bài 2: Thách thức cho sự phát triển.

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg