Không chỉ được biết đến như một vị vua yêu nước, đứng đầu phong trào Cần Vương, đánh đuổi quân Pháp đòi lại độc lập cho Việt Nam, vua Hàm Nghi còn được biết đến như một hoạ sỹ tài năng. 


Sau khi bị đi đày ở Alger (Algéria), ông kết hôn với con gái một chánh án tòa Thượng thẩm Pháp và theo học với nhà điêu khắc danh tiếng Auguste Rodin, đồng thời vua Hàm Nghi cũng vẽ tranh. Từ 14/9-5/11/2016, một số tác phẩm của ông được trưng bày tại không gian nghệ thuật Béton Salon (Paris) trong một triển lãm tập thể mang tên Anywhere but here.

Đây là triển lãm quy tụ các tác phẩm của 11 hoạ sỹ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Pháp. Người xem có thể chiêm ngưỡng 4 bức tranh của ông và một bức tượng.

Sau khi bị người Pháp bắt và đày ở Alger năm 1889, vua Hàm Nghi sống tại ngôi làng El Biar, cách thủ đô Alger 5 cây số, và theo học về nghệ thuật. Theo Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V, Phạm Trọng Chánh: “Tuy xa nước nhưng ông được hưởng trợ cấp 25.000 đồng franc một năm, số tiền ấy khá lớn so với tiền thời bấy giờ, lấy từ ngân sách Đông Dương. Ông được người đến dạy học tiếng Pháp, đàn dương cầm, nhiếp ảnh, học vẽ tranh sơn dầu, điêu khắc, đánh kiếm và tennis, đi xem hát, đi săn".

Ông theo học điêu khắc với nhà điêu khắc tài danh Auguste Rodin và học vẽ với hoạ sỹ Marius Reynaud. Nhà vua đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với hội họa, ngay cả trước khi đến với hội họa một cách chuyên nghiệp. Ông dành nhiều thời gian cho nghệ thuật hơn chính trị và giao lưu với nhiều nghệ sỹ và trí thức Pháp.

Hai năm một lần, vua Hàm Nghi còn đến Pháp 3 tháng mỗi năm để vẽ tranh. Ký tên Tử Xuân dưới các tác phẩm của mình, vua Hàm Nghi triển lãm lần đầu tiên năm 1926 và cùng với hoạ sỹ Lê Huy Miến, ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên sáng tác bằng sơn dầu. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu như sơn dầu, phấn tiên và cả điêu khắc đồng, thạch cao...

Trong triển lãm lần này, khách thưởng lãm có thể ngắm một số tác phẩm hiếm có của ông. Bức tranh sớm nhất mà người ta còn giữ được của ông chính là bức chân dung tự họa vẽ năm 1896 bằng chì. Ông lấy chính bức ảnh của mình để họa nên bức chân dung này theo phong cách hiện thực.

{keywords}
Những tác phẩm sau này của ông chịu nhiều ảnh hưởng của các hoạ sỹ theo trường phái hậu ấn tượng và Nabis.
{keywords}
Bức tranh Vách đá Port-Blanc, sáng tác năm 1912

Trước đây, bức Đường về El biar (Alger) của ông đã được định giá ban đầu là 800 euros trong một cuộc đấu giá và cuối cùng đã được bán với giá 8800 euros. Cùng thời với bức tranh nói trên là bức được trưng bày trong triển lãm lần này có tên gọi Vách đá Port-Blanc tại vùng Bretagne (Pháp). Theo nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Amandine Debat (hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi): vua Hàm Nghi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, điều chắc chắn là gợi nên một không gian tự do mà ông không thể bước vào bởi ông là tù nhân chính trị... Ông thiên về các cảnh sắc thanh bình, những khoảng khắc hoàng hôn, những cảnh không có chuyển động”.

Hai bức tranh phong cảnh khác cũng được trưng bày trong triển lãm:

{keywords}
 
Bức tranh Cây ô liu già, sáng tác năm 1905.
{keywords}
 
Bức tranh  Sườn đồi Saint-Paterne, sáng tác  khoảng năm 1920.

Tác phẩm tượng đồng duy nhất trong triển lãm cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà điêu khắc Auguste Rodin. Tượng cao 52cm mang tên Eva miêu tả người phụ nữ một tay cầm trái táo cấm và một tay che mặt. Các chi tiết về cơ thể rất quyến rũ, nở nang, viên mãn, tóc xoã dài ngang lưng vô cùng uyển chuyển.

{keywords}
 

Đây cũng là một sáng tác “lạ” trong phong cách của ông vốn không mấy khi vẽ người.

Tuy không học ở trường lớp chính thống nhưng vua Hàm Nghi đã được nhiều hoạ sỹ và báo chí Pháp coi như một hoạ sỹ. Tờ hoạ báo Bắc Phi đã từng đăng một bức ảnh của vua Hàm Nghi đang nói chuyện với hoạ sỹ Nhật Bản danh tiếng Foujita, người đã nhận xét về các tác phẩm của hoạ sỹ Tử Xuân – Hàm Nghi: "Các tác phẩm của ông rất thú vị, cho thấy các phẩm chất của một hoạ sỹ thực thụ và trên hết là một sự nhạy cảm lớn".

{keywords}
 
Tác phẩm Heads – những cái đầu, của Phạm Thảo Nguyên

Hai hoạ sỹ Việt Nam cũng có tác phẩm trưng bày trong triển lãm lần này là Trần Minh Đức và Phạm Thảo Nguyên với các tác phẩm là những suy nghĩ về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 và lịch sử của khu vực Đông Nam Á.

Năm 1962, căn nhà của vua Hàm Nghi ở Algeria bị cháy nên nhiều tác phẩm của ông đã mất. Do ông không bán mà chỉ tặng tranh tượng lúc sinh thời nên các tác phẩm còn lại thuộc sở hữu của gia đình, con cháu hoặc bạn bè... không hơn 100 tác phẩm. Là người vẽ tranh theo kỹ thuật Tây Phương với một tâm hồn Việt, các sáng tác của hoạ sỹ Tử Xuân – Hàm Nghi thực sự là những tác phẩm có giá trị mỹ thuật và lịch sử quan trọng, cần được gìn giữ trong các bảo tàng của Việt Nam.

Bài, ảnh Nguyễn Đình Thành