Liên quan đến tuyến bài bất thường trong việc cấp bò cho hộ nghèo tại Điện Biên, PV VietNamnet đã tới bản Huổi Un (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) để lắng nghe chính Tổ trưởng Tổ Cộng đồng lên tiếng về quy trình chọn bò giống trước khi cấp cho các hộ nghèo trong bản.

Theo quy trình mà huyện Điện Biên đưa ra, Tổ Cộng đồng  có vai trò then chốt, mang tính quyết định đến chất lượng, giá cả và các bước xử lý sau khi bàn giao bò giống cho người dân. Tổ Cộng đồng đại diện cho quyền lợi của hộ dân được thụ hưởng chính sách của Nhà nước trong hai chương trình mục tiêu quốc gia.

Cụ thể, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thông tin với báo chí: Dự án cấp bò được huyện chủ trương giao cho các xã làm chủ đầu tư; xã sau đó triển khai để các bản bầu ra Tổ Cộng đồng gồm trưởng, phó và các thành viên trong tổ; Tổ Cộng đồng có quyền lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, cung ứng giống thực hiện theo đúng Luật Chăn nuôi. 

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho rằng, Tổ Cộng đồng đại diện cho các hộ dân được thụ hưởng. Tổ sẽ tự thảo luận, họp bàn, xây dựng phương án để đưa ra quyết định rồi trình lên UBND cấp xã. Từ căn cứ đề xuất của Tổ Cộng đồng, xã sẽ làm tờ trình về huyện để thẩm định. Cuối cùng, Tổ trưởng Tổ Cộng đồng sẽ là người đi mua và ký hợp đồng với đơn vị cung ứng.

Dân kêu bò gầy, bên giao bảo 'chỉ có thế này'

Trao đổi với PV, ông Giàng A Hồng (Tổ trưởng Tổ Cộng đồng bản Huổi Un, xã Mường Pồn) cho biết, sau khi có dự án cấp bò về bản, qua rà soát thì bản được cấp 38 con bò, tương ứng với 19 hộ đủ điều kiện. Sau khi họp bàn, các hộ dân thống nhất bầu ông Hồng làm Tổ trưởng. 

W-bo-dien-bien.jpg
Ông Giàng A Hồng, Tổ trưởng Tổ Cộng đồng bản Huổi Un (Ảnh: TD)

Ông Hồng cho biết, với vai trò Tổ trưởng ông chủ yếu làm việc với cán bộ xã Mường Pồn về con giống và cấp phát bò cho các hộ dân.

Đáng chú ý, ông Hồng cho biết bản thân không tham gia vào quy trình chọn công ty cung ứng, không đàm phán về giá cả và gần như việc chọn bò cũng được tổ chức sơ sài. 

"Tôi không được đàm phán về giá cả bò giống, các anh trên xã gọi đi xem bò thì tôi đi, khi đi có cán bộ thú y xã đi cùng. Địa điểm xem là một bãi tập kết bò gần Khu du lịch sinh thái Him Lam thuộc tỉnh Điện Biên", ông Hồng chia sẻ.

Theo ông Hồng, quá trình đi xem bò được chia thành hai đợt vào cuối năm 2023. Lần đầu đi xem bò, ông Hồng và nhiều người dân trong bản đi cùng. Đến nơi người dân kêu bò gầy quá không lấy, bên giao nói bò chỉ có thế này, Nhà nước cho thì cứ lấy thôi.

Lần thứ hai, ông Hồng và đại diện một hộ đi xem bò. "Lần này, họ nói cho thì lấy, không người ta thu hồi vốn mất dự án, dân đã khổ rồi, cho thì cứ nhận mang về nuôi dần dần sẽ quen", ông Hồng kể.

Về giá trị bò giống, ông Hồng cho biết không tham gia vào đàm phán giá mà chỉ nhận được tin nhắn qua Zalo của cán bộ văn hóa xã Mường Pồn là mỗi con có giá 21 triệu đồng, trọng lượng hơn 200kg.

Khi được hỏi về quá trình tiếp nhận bò, người dân có được cân trọng lượng hay không, ông Hồng cho biết, khi bò về đến bản thì không cân, bên giao bảo rằng "bò chỉ thế này, mỗi người 2 con, một già, một non".

Theo ông Hồng, dù tổ chức bốc thăm nhưng khi bò đến tay người dân thì mỗi hộ đều nhận một con bò già và một con bò non. 

"Nếu xảy ra việc có hộ bốc thăm trúng 2 con bò già, gầy thì người ta không nhận, sẽ mất thời gian", lời ông Hồng. 

Từ những chia sẻ trên của ông Giàng A Hồng, PV gọi điện, nhắn tin đến ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn để lắng nghe phản hồi. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết đang đi vắng, sẽ cho xác minh rồi gửi lại thông tin sau. 

Trả lời báo chí trước đó, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết huyện đang cử các đoàn đi xác minh, sẽ công bố kết quả chậm nhất vào ngày 31/1. 

Vào cuối năm 2023, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có chủ trương giao cho 18 xã trên địa bàn thực hiện dự án cấp bò giống sinh sản cho đối tượng là hộ nghèo.

Tính đến ngày 10/1/2024, đã có 2.160 con bò được cấp cho trên 1.600 hộ dân. Việc cấp bò giống được thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận bò, nhiều người dân băn khoăn về chất lượng bò giống có những điểm bất thường khi có con bò gầy, yếu, mắc triệu chứng lạ. 

Ngoài chất lượng bò giống, trong quá trình xác minh PV phát hiện đơn vị cung ứng bò cho một số xã thuộc huyện Điện Biên cũng có một số điểm bất thường.

Cụ thể, với đơn vị cung ứng là Công ty Đại Thành (có địa chỉ tại Lào Cai; cung ứng số lượng lớn bò cho ít nhất 2 xã của huyện Điện Biên), Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai và UBND TP Lào Cai đều khẳng định không cấp các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và bảo vệ môi trường cho công ty này vào năm 2023.

Ngoài ra, địa chỉ trang trại của Công ty Đại Thành cung cấp trong hồ sơ năng lực gửi UBND huyện Điện Biên là tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, khi PV có mặt tại xã Gia Phú thì lãnh đạo UBND xã khẳng định nhiều năm nay xã không có trang trại nào của Công ty Đại Thành.