Trong khi không ít các thương hiệu nổi tiếng trong nước đang biến mất, bị nước ngoài thâu tóm thì không ít đại gia Việt đang có lối đi riêng để bước ra thị trường quốc tế. Nhiều ông chủ lớn thậm chí còn thuê những thương hiệu hàng đầu thế giới để rút ngắn con đường ra thị trường lớn.

Bạo chi, chơi sang

Ngân hàng SHB vừa ký hợp tác chiến lược phát triển đồng thương hiệu với CLB bóng đá Barcelona của Tây Ban Nha. Bước đầu tiên là giới hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ sớm gặp những cầu thủ hàng đầu thế giới như Lionel Messi, người tạo ra “kỳ quan của bóng đá hiện đại” với hơn 400 bàn thắng khi ở tuổi 27… thi đấu tại Việt Nam.

Trước đó, đội bóng số 1 và lừng danh thế giới Barca chưa từng thi đấu tại Việt Nam do “không có đối tác địa phương”. Giờ thì khác, ông Xavier Asensi - Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương CLB Barcelona cho biết. “Trong năm 2016 chúng tôi đã kín lịch nhưng 2017 chúng tôi sang châu Á và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu”.

{keywords}

Câu hỏi mà nhiều người rất tò mò là: SHB của ông Bầu Hiển đã trả bao nhiêu tiền để có thể bắt tay với gã khổng lồ trong làng bóng đá thế giới này?. Tuy nhiên, các thương vụ của các đối tác lớn không bao giờ tiết lộ những thông tin như vậy. Chỉ có điều, người ta nhận thấy bóng dáng của một tay chơi bạo chi qua sự kiện này. SHB giờ đã là đối tác đầu tiên và duy nhất của Barca không chỉ tại Việt Nam mà cả Lào và Campuchia.

Trước đó, giới đầu tư giật mình về VPBank sau khi đổi chủ, tái cơ cấu đã bất ngờ nổi lên rất nhanh với bài toán định vị thương hiệu bằng âm nhạc.

Những bữa tiệc âm nhạc của NH được dọn ra theo một thực đơn hoàn toàn có chủ đích, với những nghệ sĩ được chọn lọc rất kỹ càng, từ nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng cho tới những DJ ưu tú thế giới, nhấn vào xu hướng âm nhạc thịnh hành và thu hút hàng triệu fan hâm mộ cũng là nhóm khách hàng hướng đến.

Trong xu hướng đó, giới đầu tư cũng rất hay nhắc tới chiến dịch Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ mời “ngôi sao” Nick Vujicic người Úc tới Việt Nam như một trường hợp thành công trong việc làm thương hiệu, cho dù chi phí rất lớn, lên tới gần 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là tỷ phú Lê Phước Vũ đã chạm vào những vấn đề rất được giới trẻ quan tâm khi chọn Nick Vujicic đóng vai trò là người diễn thuyết về nghị lực sống cho giới trẻ Việt Nam. Và tất nhiên, thương hiệu DN của đại gia này cũng được lợi.

Đường tắt cho thương hiệu Việt

Năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cũng chi nhiều tiền để mời đội bóng Arsenal sang Việt Nam đá giao hữu. Con số cụ thể vẫn không được tiết lộ nhưng con số mà HAG và Eximbank đưa ra là cũng hàng chục tỷ đồng.

Trong xu hướng đó, nhiều NH cũng đã hợp tác phát triển thương hiệu với các đội bóng hàng đầu của Anh, như BIDV với Manchester United, VietinBank với Chelsea FC, hay việc Eximbank mời đội trưởng Manchester City Vincent Kompany sang Việt Nam trong một chiến dịch quảng bá thương hiệu…

Rất nhiều các đại gia khác cũng sẵn sàng bỏ hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ để có thể đưa các ngôi sao, các sự kiện lớn về Việt Nam như sự kiện hoa hậu hoàn vũ của bà Tư Hường, Sabeco mời tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic…

{keywords}

Trong hầu hết các thương vụ, đại gia đều cho rằng không quan tâm tới tiền bạc mà điều họ luôn tự hào là đã bắt tay với ông lớn thế giới để hướng tới những tham vọng dài hạn.

Bầu Đức đã gặt hái được khá nhiều thành công về mặt thương hiệu khi đầu tư vào bóng đá trẻ, xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Bầu Hiển trong khi đó cũng đã xây dựng thương hiệu T&T và SHB đồng hành cùng với bóng đá nước nhà.

Sự tăng trưởng và nổi lên mạnh mẽ của SHB và chiến mở rộng hoạt động không chỉ trong nước mà còn cả các nước trong khu vực, trong đó có Lào và Campuchia trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng có thể là động lực khiến bầu Hiển đẩy mạnh hợp tác với các thương hiệu toàn cầu. Và việc hợp tác thương hiệu với CLB Barcelona sẽ giúp NH này hướng tới nhóm khách hàng cá nhân là người hâm mộ hai tên tuổi lớn của làng bóng đá thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trên thực tế, thị trường NH bán lẻ ở Việt Nam đang rất hấp dẫn. Không chỉ các NH trong nước mà cả các NH nước ngoài cũng đang chạy đua để giành thị phần trên thị trường này, tăng tốc trên lĩnh vực thẻ. Không ít ông lớn muốn hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng để chinh phục thị trường, nhưng không phải ai cũng giành được thắng lợi.

Những hợp đồng hợp tác của các NH lớn như BIDV, VietinBank, SHB… với các đội bóng đá quốc tế lớn một lần nữa cho thấy tài trợ bóng đá để quảng bá thương hiệu là một chiến lược của các DN lớn và luôn được các đại gia lưu ý.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là các DN lớn làm bóng đá bằng mọi cách. Sự rút lui của hàng loạt các doanh nhân lớn như bầu Trường, bầu Thụy, bầu Thọ… khỏi làng bóng đá gần đây, ở góc độ nào đó, cũng phản ánh tình trạng yếu kém của bóng đá trong nước.

Sự hợp tác của SHB với Barca, Hoàng Anh Gia Lai với Arsenal như là một bước tiến sâu hơn của bầu Hiển và bầu Đức vào mảng quảng bá thông qua bóng đá. Nó cũng cho thấy nhu cầu làm thương hiệu mạnh hơn và ở quy mô rộng hơn của các đại gia.

Có thể thấy, cuộc chơi thương hiệu luôn tốn kém nhưng hiệu quả nhiều khi là rất lớn. Đó như là con đường tắt để thương hiệu Việt sớm ra được cao tốc.

M. Hà