Dưới những tán lá rừng rậm rạp, bóng dáng lão nông Trần Văn Sơn (64 tuổi, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) quá quen thuộc với những người dân nơi đây.
Đứng cạnh gốc lim cổ thụ, ông Sơn nhớ lại, năm 1982 ông là công nhân lâm trường Hương Sơn. Thời điểm đó, ông nhận giao khoán bảo vệ và chăm sóc 27ha rừng. Đến tháng 3/1986, ông Sơn gác lại công việc, tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Rừng lim xanh cổ thụ của lão nông Trần Văn Sơn. Ảnh: PV |
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, ông Sơn được cấp trên cử đi đào tạo sĩ quan để phục vụ lâu dài trong quân đội nhưng sức khỏe không đảm bảo, ông Sơn xin phục viên về quê sinh sống và tiếp tục chăm sóc, bảo vệ số diện tích rừng tại thôn Khe Năm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
“Thời điểm tôi nhận rừng, toàn cây gỗ có giá trị thấp, chỉ có một số cây lim, dổi, tráu… Hơn nửa đời người chăm sắc và bào vệ, rừng lim của tôi hiện có khoảng 300 cây lim 30-40 năm tuổi phát triển xanh tốt, cao hàng chục mét, đường kính 1-2 người ôm”, ông Sơn chia sẻ.
Rừng lim xanh cổ thụ của ông Sơn như một “lá phổi xanh”, là niềm tự hào không chỉ của riêng ông mà còn của cả người dân tỉnh Hà Tĩnh. “Tôi nói thật, hiện nay tại huyện Hương Sơn không có rừng nào có nhiều gỗ lim lâu năm như thế này”, ông sơn hãnh diện cho biết.
Cây lim xanh to 1 -2 ngồi ôm không xuể. Ảnh: PV |
“Trước đây người dân ai cũng nghèo, cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng để mưu sinh, cứ nghĩ khu rừng này là tự nhiên, nên mạnh ai nấy chặt phá. Sau khi tôi nhận trồng và bảo vệ, nạn chặt phá giảm dần, ngoài ra tôi cũng tuyên truyền cho người dân hiểu và có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng”, ông Sơn chia sẻ.
Cứ đến mùa những đàn chim, đàn ong lại tìm đến rừng lim của ông Sơn làm tổ, rừng gỗ lim trở thành thành quả ngọt ngào, niềm vui tuổi già mà ông có được sau hàng chục năm chăm sóc.
Hàng trăm cây lim xanh vẫn phát triển xanh tốt, tỏa tán cây cả một vùng rộng lớn. Ảnh: PV |
“Chặt bán thì dễ nhưng để trồng và bảo vệ, tạo nên một khu rừng lim như thế này thì rất khó. Sau này khi sức khỏe yếu đi, tôi muốn các con của mình sẽ tiếp tục thay tôi chăm sóc, bảo vệ và trồng thêm cây trên cánh rừng này”, ông Sơn trầm ngâm nói.
Ngoài việc nhận bảo vệ rừng gỗ lim quý hiếm, gia đình ông Sơn còn là hộ làm mô hình làm kinh tế giỏi, đàn lợn với quy mô 1.000 con/lứa; hơn 300 gốc bưởi đã cho thu hoạch; 150 gốc cam bù; 3ha trồng keo tràm…. Mô hình trang trại mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lão nông sở hữu rừng lim xanh "độc nhất vô nhị". Ảnh: PV |
Trao đổi với PV báo điện tử DANVIET.VN, Ông Trần Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, cho biết: “Đất rừng này trước đây là của lâm trường dịch vụ Hương Sơn, nhưng sản xuất không có hiệu quả nên các cấp các ngành đã giao lại cho người dân quản lý, sử dụng. Rừng lim của ông Trần Văn Sơn được ví như “lá phổi xanh” không chỉ của xã Sơn Kim mà còn của cả tỉnh Hà Tĩnh, tạo không khí trong lành, cung cấp nguồn nước, thảm thực vật phong phú”.
(Theo Dân Việt)