Lạc Sơn là một trong bốn Mường lớn, được coi là vùng lõi của người Mường và văn hóa Mường của tỉnh Hòa Bình. Nơi đây chứa đựng các chuyện cổ và điệu hát dân ca cổ. 

Người Mường Lạc Sơn luôn ý thức việc giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vào các ngày lễ, phụ nữ từ già tới trẻ đều mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường. Theo năm tháng, từng nếp nhà sàn được duy trì, chiêng Mường, những áng mo Mường đặc sắc được người dân giữ gìn. 

Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của Mo Mường. 

Mo Mường- di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, phản ánh đậm nét đặc trưng văn hóa từ cổ sơ của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng.

Nghi lễ mát nhà diễn ra trong không gian trang trọng

Tất cả những lý giải về lịch sử loài người, bài học về đời sống cộng đồng, những tri thức văn hóa dân gian... đọng lại qua ký ức thời gian, thêu dệt bằng màu sắc huyền thoại, dưới nhiều góc độ, được phản ánh trong Mo Mường. Mo Mường gắn với nhiều nghi lễ và tín ngưỡng, chuyển tải tinh thần đoàn kết của gia đình, dòng họ, cộng đồng và dân tộc; góp phần bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử.

Mo Mường chứa đựng giá trị các loại hình văn hóa dân gian (văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu, tín ngưỡng, tri thức dân gian). Đó là những áng mo kể chuyện (mo sử thi), mo nghi lễ (gắn với các nghi lễ tín ngưỡng), mo nhòm (mo tả cảnh). Ngôn ngữ trong mo là kho từ vựng tiếng Mường với nhiều từ cổ là tài sản, di sản vô giá của dân tộc Mường nói riêng, Việt Nam nói chung. Mo Mường phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, chứa đựng tri thức dân gian sâu sắc. Nghệ nhân mo có vai trò là trí thức dân gian và được người dân tôn trọng.

Mo Mường được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Qua kiểm kê có 23 nghi lễ sử dụng mo, nhiều nhất là trong tang lễ, ngoài ra là các nghi lễ cầu phúc lộc, mạnh khỏe, trừ tà, các lễ hội dân gian...

“Mo” có nghĩa là xướng lên theo làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc mo nhòm (tả cảnh), những “cát” mo (một trường đoạn) kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng. Mo còn chỉ những người làm nghề mo (Ông Mo) và những bài mo, những áng mo.

Dụng cụ của thầy mo gồm một túi khót - dụng cụ giống như dao làm từ đồng và đá, dùng để liên hệ giữa người âm với người dương mà chỉ thầy mo mới có và làm được. Bên cạnh đó, thầy mo còn có sách roi làm từ những que tre, trên đó khắc ngày, giờ lành, xấu cho cả một năm.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng: Mo Mường là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc Mường, có dung lượng khổng lồ với vài chục nghìn câu thơ, văn vần chia thành các roóng mo, cát mo (chương, hồi) và ảnh hưởng sâu sắc, chi phối mọi mặt đời sống của người Mường qua bao đời.

Mo Mường cấu thành từ 3 lĩnh vực chính (lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng, nghệ nhân mo), trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo là quan trọng nhất. Mỗi ông mo khi hành lễ khoác mũ, áo và xướng lên những roóng mo theo giai điệu phù hợp với nghi lễ. Họ luôn mang theo túi khót, bên trong có những cổ vật như rìu đá, rìu đồng, xương, nanh mãnh thú… được sưu tập, truyền đời cũng là di sản vật thể quý. Giá trị của mo đáng trân trọng ở chỗ, nếu ai đã từng lắng nghe sẽ tự thấy lòng trở nên sâu lắng hơn, muốn sống nên người hơn, hướng tới chân - thiện - mỹ. 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá, mo Mường là sáng tạo vĩ đại của người Mường, tích tụ trong nó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường. Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương xứ sở... Cùng với thời gian, mo Mường đã góp phần hình thành nên cốt cách, tâm hồn của người Mường và vùng đất Hòa Bình, cũng như bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Đó như "Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường, chứa đựng những tinh hoa văn hóa cần được hiểu biết thấu đáo và đáng được trân trọng, tôn vinh, truyền lại cho thế hệ sau.

Ngày nay, mo Mường vẫn được người Mường Hòa Bình trân trọng, lưu truyền và thực hành trong các nghi lễ. Tuy các roóng mo được cắt giảm, nhưng giá trị của mo vẫn luôn được khẳng định và luôn có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của người Mường.

Hoài Thanh, Tuấn Anh, Minh Hưng, Hồ Nhuỵ