Thời gian gần đây, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử.
Tại Tọa đàm Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chia sẻ, trên thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, trong đó, có nông nghiệp; và cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của du lịch, ngày càng có sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này.
Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, thể hiện rất rõ đã có hàng chục sản phẩm nằm trong top đầu xuất khẩu thế giới. Đến nay, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch, và đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch.
Sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt, đã giúp thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của bà con khu vực này.
Không chỉ thông qua các kênh truyền thống như là bán hàng tại chợ hoặc là thông qua các siêu thị hay những hình thức khác thì việc khách du lịch đến tại vườn ăn ở và thu hái, mua sắm đã tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn. Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch.
Hiện nay, lên Tây Bắc hoặc vào miền Trung, cũng dần dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở nông trường, trang trại, khu mà có những sản phẩm đặc sản, thậm chí homestay có thể ăn ở cùng với chủ nhà và tham gia sinh hoạt sản xuất, thu hái… Tất cả những hoạt động này đã được nhận diện và hình thành bước đầu có kế hoạch ở một số địa vùng, giúp tạo ra những động lực tăng trưởng mới và hiệu quả mới, toàn diện hơn cho vùng miền.
Theo đó, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để các cơ quan hữu quan thống nhất cách làm và có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản phẩm vùng miền. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này nhằm tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau; mở rộng hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng; quảng bá về sản phẩm, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng.
Thanh Bình, Thu Hà, Bích Hạnh