Tình hình ở Ukraina thực tế hết sức phức tạp, và đây có lẽ là phép thử nghiêm trọng đầu tiên cho các cường quốc kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sẽ là rất vội vàng nếu như đưa ra những phỏng đoán sớm về các hậu quả mà cuộc khủng hoảng Ukraina để lại.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Dưới đây là một số bài học mà trang Russia Direct rút ra từ cuộc khủng hoảng này.

{keywords}
Bạo lực ở miền đông Ukraina ngày một gia tăng và chưa có lối thoát. Ảnh: AP

1. Các cơ chế an ninh quốc tế phải được củng cố

Trước tiên, cuộc khủng hoảng Ukraina không thể coi là thất bại bất ngờ của chính trị thế giới, hoặc là một hiện tượng đơn lẻ đi ngược lại các xu hướng chính của quốc tế trong những thập kỷ gần đây. Thực tế, cuộc khủng hoảng này có cả một giai đoạn phát triển trước đó, từ thời Nam Tư cũ, can thiệp quân sự vào Iraq, việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM, và những sự kiện gần đây ở Libya và Syria.

Bài học rút ra là phải nghiêm túc xử lý vấn đề củng cố các cơ chế an ninh quốc tế và cùng nhau hình thành nên một trật tự thế giới giảm thiểu hết mức các nguy cơ khủng hoảng như ở Ukraina.

2. Phương Tây và Nga phải vượt qua di sản Chiến tranh Lạnh

Cuộc khủng hoảng đã cho thấy việc những ngờ vực chia rẽ Nga và phương Tây vẫn còn y như cách đây 20 năm. Những ý nghĩ và sợ hãi xưa cũ vẫn còn đeo bám dai dẳng, khiến đôi bên coi những sự kiện ở Ukraina là cuộc chiến một mất một còn.

Bài học rút ra là không thể cho rằng tàn tích của sự nghi kỵ, ngờ vực và định kiến từ thời Chiến tranh Lạnh tự nó sẽ biến mất. Điều này cần các nỗ lực kiên trì, bền bỉ và xác thực cả ở phương Tây và Nga.

3. An ninh tại châu Âu phải được đảm bảo

Tình hình Ukraina đã cho thấy các thể chế hiện có của an ninh châu Âu – Đại Tây Dương mong manh và thiếu chắc chắn như thế nào. Đáng tiếc là châu Âu không có một thỏa thuận nào cụ thể về việc kiểm soát các vũ khí thông thường và lực lượng vũ trang. Trong khi đó, các vấn đề an ninh của châu lục này không thể chỉ được giải quyết nhờ NATO hay OSCE hoặc trong một khuôn khổ các cuộc điện đàm giữa các lãnh đạo châu Âu vào thời khắc nguy kịch.

Bài học cần thấy là an ninh chung ở vùng châu Âu – Đại Tây Dương phải được giải quyết triệt để. Hợp tác trong khu vực này cần dựa trên các nguyên tắc an ninh toàn vẹn và bình đẳng.

4. Khôi phục hiểu biết căn bản về luật quốc tế

Thông qua cuộc khủng hoảng Ukraina, và đặc biệt là ở những giai đoạn về sau, có rất nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng về các vấn đề nền tảng của luật quốc tế. Tất cả những vấn đề này được thấy rõ từ các cuộc khủng hoảng trước đó: trường hợp Nam Tư cũ, Iraq, Bắc Kavkaz, Libya, Syria… Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraina lại cho thấy vết rạn nứt căn bản nhất trong chính trị thế giới, chủ yếu làm xói mòn luật quốc tế, và cho thấy rằng thậm chí các người chơi chính cũng không thể nhất trí dựa trên một loạt ‘luật chơi’ quốc tế.

Nền chính trị thế giới sẽ chỉ có thể quản lý được trở lại nếu như các bên có thể khôi phục lại hiểu biết căn bản và áp dụng các quy phạm pháp luật quốc tế trong lĩnh vực an ninh.

5. Không thể để cho khủng hoảng vượt ngoài tầm kiểm soát

Khủng hoảng Ukraina là minh chứng sống động cho điều mà sách giáo khoa về quan hệ quốc tế gọi là ‘leo thang không lường trước’. Bài học rút ra là không nên để cho các cuộc khủng hoảng vượt ra khỏi tầm kiểm soát bằng cách liên tục nêu ra các nguy cơ và rủi ro. Thỏa hiệp và nhượng bộ là một lựa chọn có thể chấp nhận được trong giai đoạn đầu.

6. Các thể chế xã hội dân sự cần được kích hoạt khi khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tại Ukraina cho thấy sự yếu kém của xã hội dân sự - không chỉ ở Ukraina, mà còn ở Nga, châu Âu và khắp Đại Tây Dương.

Các thể chế xã hội dân sự như tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội nghề nghiệp, các trung tâm phân tích độc lập đều không tham gia tích cực trong các nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng, mà chỉ có các viên chức và nhà ngoại giao.

Do đó, bài học cần rút ra là không nên coi sự tham gia của tổ chức xã hội dân sự là phương án hai và chỉ chờ tới khi nào thích hợp thì mới kêu gọi họ.

7. Các mối liên hệ về chính trị giữa Nga và phương Tây không nên cắt đứt

Lịch sử khủng hoảng quốc tế cho thấy rằng câu trả lời tệ nhất chính là việc cắt đứt liên lạc đã thiết lập và đóng băng mọi kênh đối thoại. Trái lại, trong những tình huống nguy cấp thì đối thoại phải giữ vị trí hàng đầu.

Kết quả của một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong chiến tranh Lạnh - Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 – dẫn tới việc hệ thống vũ khí hạt nhân hiện nay đang được kiểm soát.

Lê Thu