Các hãng hàng không Mỹ dừng gần 10 năm nay

Tại tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, khi thảo luận về cơ hội bay thẳng tới Mỹ, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho hay, ngay từ khi Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định hàng không năm 2003, các hãng hàng không Mỹ đủ điều kiện kỹ thuật đã triển khai các chuyến bay thẳng. United Airlines và American Airlines đều đã bay đến Tân Sơn Nhất rồi phải dừng bay cả 10 năm nay. United Airlines bay từ 2007 đến 2012 thì dừng. Còn American Airlines bay năm 2009, sau 6 tháng dừng khai thác và chọn phương án hợp tác.

Đến nay, các hãng hàng không Mỹ vẫn chưa bay lại vì “họ là những người rất thực tế”, ông Dương Trí Thành nhận xét.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Singapore, Indonesia,... cũng hướng bay thẳng tới Mỹ, nhưng hiện chỉ Singapore Airlines và Phillippines Airlines duy trì được, còn hầu hết đã dừng, chọn bay nối chuyến qua các điểm trung chuyển.

{keywords}
American Airlines từng bay thẳng từ Mỹ tới Việt Nam sau đó phải dừng và bay nối chuyến.

Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ là thị trường hấp dẫn, có cơ hội đem lại doanh thu nghìn tỷ. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, khi nói tới đường con số nghìn tỷ của một thị trường nghe có vẻ lớn. Ví dụ, Vietnam Airlines chuyên chở 1 năm hơn 30 triệu khách, lời mỗi khách 3 USD thì được 100 triệu, tương đương 2.000 tỷ. Nhưng nếu lỗ, mỗi khách 3 USD thì cũng lỗ luôn 100 triệu USD.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) trao chứng chỉ giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Các hãng hàng không trong nước đang làm thủ tục để bay thẳng đi Mỹ.

Nhưng theo ông Thành, ngay cả khi đã xong thủ tục, hãng cũng phải cân đối giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế, bởi đây là thị trường đặc biệt lớn. Hãng hiện khai thác khá tốt thông qua hệ thống nối chuyến từ TP.HCM đến Los Angeles bay không dừng khoảng 18 tiếng, còn bay nối chuyến qua Đài Loan khoảng 22 tiếng.

Hàng không kỳ vọng khi có đường bay mới, lượng khách có thể tăng lên 40% không chỉ nhờ khách Việt kiều (gần 2 triệu người Việt Nam tại Mỹ) mà cả người Việt học tập, nghiên cứu làm ăn tại đây. Song, ông Thành cũng thừa nhận thu hút khách bay thẳng không phải là dễ.

“Bay thẳng chỉ hấp dẫn khách thương gia, nhưng lượng khách này dù mỗi ngày một đông nhưng thực sự đến nay chưa đủ để mang lại doanh thu hợp lý”, ông Thành nói.

Ngoài Vietnam Airlines, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết cũng có kế hoạch bay thẳng đến Mỹ và đang chuẩn bị tàu bay, nhân sự, vốn,... để có thể cất cánh. Chủ tịch FLC từng tính toán hiệu quả của đường bay này và khẳng định “sẽ không lỗ”.

Với Vietjet Air, Phó Tổng giám đốc Đinh Việt Phương cho biết hãng này đang khai thác đội tàu bay thân hẹp, với đường bay, chặng bay trong tầm 5-6 giờ và “kiên trì mô hình hoạt động của mình”. Khách của Vietjet cũng có thể bay tới Mỹ, nhưng thông qua việc hợp tác liên doanh, chứ trước mắt hãng này chưa xác định mở chuyến bay thẳng.

5 lưu ý khi mở đường bay thẳng tới Mỹ

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng Mỹ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Bản thân Mỹ cũng là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, do đó Việt Nam  muốn phát triển đương nhiên phải kết nối với thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, để bay đến thị trường Mỹ cần lưu ý 5 vấn vấn đề sau.

{keywords}
Boeing 787 của Vietnam Airlines đã đạt tiêu chuẩn 2 động cơ vượt đại dương của nhà chức trách Mỹ

Thứ nhất, về pháp lý. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm vấn đề mở đường bay đến Mỹ. Theo Hiệp định hàng không ký với Mỹ từ 2003, Mỹ và Việt Nam có quyền mở đường bay đến Mỹ và từ Mỹ đến Việt Nam với tần suất 7 chuyến/tuần.

Chúng ta có thể sử dụng thương quyền năm để bay giữa Việt Nam và Mỹ đến tất cả các điểm trừ Nhật Bản. Đồng thời, đã tiến hành đàm phán hàng không với các quốc gia đối tác để chuẩn bị hỗ trợ các hãng để mở đường bay đến Mỹ. Hàng không Việt Nam đã thống nhất được với Đài Loan, Hàn Quốc cho việc sử dụng thương quyền năm. Như vậy, cơ sở pháp lý để mở đường bay thẳng và bay có 1 điểm dừng tới Mỹ đã có.

Thứ hai, về năng lực quản lý hàng không. Muốn bay đến Mỹ, các quốc gia đều phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ đánh giá. Sau một thời gian rất dài, hơn 10 năm, tới 2018, Mỹ đã công nhận Cục Hàng không Việt Nam đạt tiêu chuẩn CAT 1. Đây là điều kiện tiên quyết để bay đến Mỹ.

Thứ ba, về an ninh hàng không. Các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn. Các sân bay xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ cũng phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn đủ điều kiện và hàng năm, phía Mỹ vẫn cử các đoàn chuyên gia sang đánh giá. Bởi, tuy chưa có đường bay thẳng đến Mỹ nhưng chúng ta có đường bay nối đến Mỹ.

Thứ tư, là năng lực khai thác của hãng hàng không. Hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải có tàu bay để đăng ký bay đường dài và bay qua đại dương đến Mỹ.

Theo đánh giá của Cục Hàng không, nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút (điều luật của ICAO cho phép máy bay thương mại 2 động cơ được bay thêm một thời gian trong trường hợp 1 động cơ bị hỏng). Hiện mới có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này. Còn Bamboo Airways muốn đạt tiêu chuẩn 180 phút thì đầu tiên phải tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện kinh nghiệm quản lý 18 tháng nữa mới có thể bay được.

Thứ 5, về thị trường. Các hãng phải tự cân nhắc, đánh giá khi quyết định khai thác, bởi hàng không Mỹ đang là thị trường cạnh tranh tương đối khốc liệt. Ngay ở Việt Nam cũng có rất nhiều đường bay nối chuyến tới Mỹ. Do đó, phải cạnh tranh được với các hãng hàng không này khi muốn tham gia bay tới Mỹ và đây là một thách thức rất lớn.

Ngoài ra, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan, phải có chương trình kế hoạch, lên chương trình hết sức khốc liệt. Lãnh đạo Cục Hàng không cho hay sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục để các hãng trong nước đủ điều kiện để mở đường bay tới Mỹ.

GS. Nawal Taneja, chuyên gia hàng đầu về hàng không:

Có thể thực hiện bay thẳng tới Mỹ nếu có lợi nhuận. Tuy nhiên, cần nhìn lại việc hai hãng hàng không đã từng có chuyến bay thẳng tới Mỹ nhưng họ lại dừng, tại sao?

Hơn ai hết, hãng hàng không cần phải tự đánh giá nguồn lực của mình. Nếu sử dụng mạng lưới bay truyền thống thì không có ý nghĩa, cần phải lập kế hoạch mới về cơ chế tính giá. Nếu chỉ phục vụ khách thăm hay giải trí thì không hiệu quả, những người không muốn tốn thời gian transit là những doanh nhân sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, song đi kèm với đó là dịch vụ thuận tiện với tần suất ít nhất 3 chuyến/tuần.

Mặt khác, muốn bay thẳng phải có thương hiệu ở Mỹ, phải xây dựng mạng lưới để kết nối đối tác ở Mỹ. Do đó, phải nghĩ tới chuyện xây dựng mạng lưới kết nối với ai, đối tác nào ở Mỹ, chặng nào nối Việt Nam - Mỹ.

Bên cạnh đó, cần phát triển hình ảnh, marketing nhận diện thương hiệu cho hãng qua mạng xã hội. Trên thực tế, để làm những việc này cần phải được chính phủ 2 bên cho phép kết nối hỗ trợ, hợp tác liên doanh.

Ngọc Hà