Sáng 25/10, trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức cho biết vừa trở về từ lễ viếng cháu.
Ông Viện cho hay, nhà trường sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ công việc và chi phí lo mai táng cho cháu. “Nhà trường phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc và không để xảy ra sự việc tương tự. Nhưng một phần cũng là sơ suất, do khách quan khi đường dây điện được lắp bám vào tường tầng 2, lâu ngày cùng mưa gió tối hôm trước đó nên bị rơi xuống bãi cỏ phía sau trường”, ông Viện nói.
Khi được hỏi về trách nhiệm kiểm tra, giám sát hằng ngày của nhà trường trong khuôn viên do mình quản lý, ông Viện cho hay phòng cũng chưa có đề xuất cụ thể mà báo cáo sự việc lên UBND huyện Mỹ Đức và đề nghị xem xét; hình thức xử lý như thế nào sẽ do huyện quyết định.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: Thanh Hằng |
Qua vụ việc, phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức cũng có thêm văn bản nhắc nhở, đôn đốc các trường thường xuyên kiểm tra, rà soát tất cả những gì có tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng đây là vụ việc đau lòng khi cướp đi tính mạng học sinh ngay tại trường học. Cơ quan công an sẽ vào cuộc làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân để xử lý theo quy định pháp luật.
“Trong quá trình xác minh, cơ quan công an sẽ làm rõ đường dây tải điện đó được thiết kế, lắp đặt như thế nào, ai có trách nhiệm trông nom, bảo quản. Trong trường hợp xác định có lỗi của người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng nguồn điện gây hậu quả chết người thì có thể xử lý hình sự người có trách nhiệm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ Luật hình sự.
Còn nếu đường dây điện bị đứt là do yếu tố khách quan, không có lỗi của nhà trường hay của cán bộ có thẩm quyền thì sẽ xác định đây chỉ là vụ tai nạn mà không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vụ tai nạn xảy ra tại trường học nên nhà trường có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và các chi phí khác phát sinh từ vụ việc này”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, cơ quan công an sẽ làm rõ dây điện đó rơi xuống từ khi nào, có ai phát hiện ra hay không? ai có trách nhiệm quản lý hệ thống đường dây điện?... để xác định có cá nhân nào có lỗi vô ý do cẩu thả hay không.
“Lỗi vô ý do cẩu thả là thấy được việc dây điện rơi xuống, có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng cho rằng việc nguy hiểm đó sẽ không xảy ra và đã không kịp thời khắc phục, xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp người có trách nhiệm trông nom, bảo quản mà không phát hiện ra sự cố của đường dây hoặc phát hiện ra nhưng nghĩ rằng không thể xảy ra tai nạn thì có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý, nếu xác định có lỗi vô ý thì sẽ xử lý hình sự đối với người này.
Còn trường hợp là nguyên nhân khách quan, không ai có thể phát hiện ra hoặc sự việc mới xảy ra là tình huống bất ngờ thì sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự. Những trường hợp bất ngờ, tình huống bất khả kháng là các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”.
Ảnh: VTV |
Nguyên nhân của sự việc dù có thể do khách quan đi chăng nữa nhưng trách nhiệm của các nhà trường là không thể xem nhẹ. Bởi không thể cứ một sinh mạng trẻ nhỏ mất đi, chúng ta lại đổ tại cho khách quan hay sơ suất. Trong khi hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
Vụ việc là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các trường học trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Các nhà trường cần kiểm tra hệ thống điện, ban công, cầu thang và những vị trí có thể gây nguy hiểm cho trẻ để đảm bảo an toàn trường học, tránh để xảy ra những sự việc đau lòng.
Hải Nguyên
Hà Nội yêu cầu xử nghiêm vụ bé lớp 2 bị điện giật tử vong tại trường
- Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức phối hợp với Trường Tiểu học Tuy Lai A và các cơ quan chức năng làm rõ vụ để học sinh lớp 2 bị điện giật tử vong, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.