Tại Việt Nam, trồng dừa là một thế mạnh, giá trị đứng thứ 4 trên thế giới. Diện tích dừa nước ta ước khoảng 195.000ha, sản lượng ước trên 2 triệu tấn mỗi năm. Trái dừa tươi và sản phẩm chế biến từ dừa đang được xuất khẩu sang 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi. 

Việc nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng này. Bộ NN-PTNT tính toán, nếu làm tốt trong các tháng còn lại của năm nay, xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc có thể thu về khoảng 300-400 triệu USD, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Thế nhưng, muốn xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, ngoài đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, vùng trồng dừa và cơ sở đóng gói bắt buộc phải được cấp mã số. Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ là đơn vị trực tiếp phê duyệt các mã số này. 

dua tuoi.jpg
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 173 mã số vùng trồng dừa của tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin, sau quá trình kiểm tra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt 173 mã số vùng trồng dừa và 23 cơ sở đóng gói dừa tươi được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể, tỉnh Bến Tre có 133 mã số vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số; Tiền Giang có 40 mã số vùng trồng và 9 mã cơ sở đóng gói dừa tươi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ở mỗi thị trường nhập khẩu hiện nay đều có các yêu cầu cụ thể về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Thông tin về nông sản nhập khẩu sẽ được kiểm soát từ khâu sản xuất, kinh doanh, thu hái đến khi xuất khẩu đều phải đưa vào trong hệ thống dữ liệu của ngành để quản lý.

Việc cấp mã số vùng trồng cho dừa nói riêng hay nông sản khác sẽ giúp cơ quan ngành trồng trọt nắm bắt được diện tích, sản lượng, mùa vụ thu hoạch của từng vùng trồng. Đây là dữ liệu nguồn quan trọng để đưa ra dự báo về thị trường, giá cả, từ đó khuyến cáo tới người dân và doanh nghiệp đưa ra những kế hoạch kịp thời.

Khi nắm bắt được vấn đề sản lượng, mùa vụ thu hoạch thông qua mã số vùng trồng, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cũng xác định phương án tiêu thụ tại các thị trường, tránh tình trạng hàng dội chợ, ách tắc đầu ra.

Dựa trên mã số vùng trồng được cấp, doanh nghiệp có cơ sở làm kế hoạch ký kết đơn hàng xuất khẩu phù hợp ở từng giai đoạn. Chưa kể, khi có mã số vùng trồng, doanh nghiệp dễ dàng liên kết với nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn của các thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.

Cuối tháng 10, sau khi được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, lô hàng gồm 2.430 kiện với 21.870 quả dừa tươi của Công ty TNHH TMDV XNK Hải đã chính thức mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái để xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2.

Đây là lô hàng đầu tiên của tỉnh Bến Tre xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Ngay sau đó, Công ty Cổ phần FADO iExport cũng xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang sang Trung Quốc với quy mô 3 container - số lượng gần 70 tấn dừa tươi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, dừa là một trong 6 cây trồng nằm trong đề án cây công nghiệp chủ lực được bộ phê duyệt. Sản xuất dừa không chỉ để xuất khẩu mà còn phục vụ tiêu thụ nội địa.

“Kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa rất đáng mừng. Năm 2022, xuất khẩu dừa và sản phẩm khác từ dừa đạt kim ngạch 902 triệu USD, năm 2023 là khoảng 1 tỷ USD”. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường quan trọng, làm tốt khâu xuất khẩu dừa sẽ đóng góp thêm vài trăm triệu USD vào kim ngạch ngành nông nghiệp trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu các địa phương phải nắm bắt chính xác thông tin rồi truyền tải tới người trồng, cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, rà soát lại các vùng trồng và cơ sở đóng gói xem đã đáp ứng đủ theo yêu cầu của nghị định thư hay chưa. 

Hà Giang