Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Nature Medicine ngày 23/6 cho thấy, trung bình có 50 đột biến trong các mẫu virus đậu mùa khỉ trong năm nay. Trước đó, giới chuyên môn dự kiến chỉ có khoảng 10 đột biến. 

Nhóm tác giả người Bồ Đào Nha đã phân tích trình tự virus đậu mùa khỉ đầu tiên được công khai vào ngày 20/5, cùng với 14 chuỗi bổ sung khác trước ngày 27/5.

Họ đã phát hiện ra khoảng 50 khác biệt di truyền trong virus đậu mùa khỉ. Con số này cao hơn từ 6 đến 12 lần so với những nghiên cứu trước đây về các loại orthopox virus khác. Họ virus này bao gồm cả đậu mùa khỉ. 

Một người đàn ông tiêm phòng đậu mùa khỉ ở Montreal, Quebec, Canada. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ đột biến có thể chỉ ra một trường hợp tiến hóa nhanh. João Paulo Gomes, đồng tác giả và là người đứng đầu Đơn vị Gen học và Tin sinh học, Viện Y tế Quốc gia Bồ Đào Nha, nhận định, số lượng đột biến “khá bất ngờ”.

"Khi xem xét khả năng virus đậu mùa khỉ năm 2022 này là hậu duệ của virus trong đợt bùng phát năm 2017 ở Nigeria, người ta dự tính có không quá 5 đến 10 đột biến bổ sung. Nhưng hiện tại đã ghi nhận được 50 đột biến”, ông Gomes nói. 

“Chúng tôi hy vọng, giới chuyên môn sẽ thực hiện các thí nghiệm để tìm hiểu xem loại virus năm 2022 có tăng khả năng lây truyền hay không”.

Hiện có hơn 3.500 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở 44 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Đây là bệnh nhiễm virus gây ra các tổn thương trên da, lưu hành ở một số vùng của châu Phi. Nhưng đợt bùng phát hiện tại đã tấn công các quốc gia chưa từng lây lan bệnh và làm dấy lên lo ngại.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ thông tin, đã có báo cáo về sự lây truyền giữa các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc gần. 

Đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống cúm, sau đó tới phát ban, mụn nước, nhọt trên da. Bệnh lây lan qua tiếp xúc gần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong khoảng 3-6% tổng số bệnh nhân.

An Yên (Theo NYPost)