Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) trong cuộc tập huấn do Bộ Y tế tổ chức về Hướng dẫn chẩn đoán điều trị đậu mùa khỉ chiều 1/8 nhận định xu hướng gia tăng ca bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới là chắc chắn. Đặc biệt sau khi WHO công bố đây là tình trạng y tế khẩn cấp, các quốc gia sẽ tăng cường giám sát và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán xác định.

Thực tế, chỉ trong 7 ngày có tới hơn 4.000 ca bệnh xác định được báo cáo, nâng tổng số ca bệnh ghi nhận đến nay là hơn 22.000 ca. 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, Singapore… đã ghi nhận 62 ca bệnh.

Nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động tìm nguồn vắc xin, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị.

Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, dựa trên những rủi ro và lợi ích đã được đánh giá hiện tại, trong khi virus không lây lan dễ dàng và bệnh nhân thường tự hồi phục, WHO cho rằng việc tiêm chủng hàng loạt không được khuyến khích.

Việt Nam đang chờ “mồi” xét nghiệm đậu mùa khỉ

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam. TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay vừa qua, TP HCM có văn bản xin phép Bộ Y tế thực hiện khai báo y tế ở cảng hàng không.

"Tuy nhiên, WHO đánh giá mức độ dịch toàn cầu đang ở mức trung bình, còn ở Việt Nam ở mức thấp đến trung bình. Do đó, việc khai báo y tế tại các sân bay có thể gây ách tắc”, ông Tâm cho biết cơ quan này đã hội ý, xin ý kiến Hội đồng khoa học để xem xét việc triển khai khai báo y tế.

Khẳng định đến nay Việt Nam chưa phát hiện được ca đậu mùa khỉ nào, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam, nhấn mạnh các cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên, chứ không phải là ở sân bay.

Ông cũng lưu ý, 2 nhóm người nguy cơ cao nhất lây nhiễm virus đậu mùa khỉ là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán.

“Việc xét nghiệm hiện chỉ có phương pháp Realtime RT-PCR. Tuy nhiên, Việt Nam đang chờ WHO gửi “mồi” để chẩn đoán khẳng định”, PGS Kính nói.  

Trước mắt, y tế các tuyến sẽ giám sát, theo dõi lâm sàng, phân biệt nốt phát ban của đậu mùa khỉ với các bệnh lý khác như tay chân miệng, đậu mùa, herpes lan toả, kết hợp với yếu tố dịch tễ để nhận định ca bệnh.

Khi nào tính phương án cách ly, điều trị đậu mùa khỉ tại nhà? 

Tại cuộc họp, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - cho hay cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch đậu mùa khỉ.

- Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam

Các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện cho phòng chống dịch.

Xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo…

- Tình huống 2: Có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam

Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; Cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở;…

- Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng 

Mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; Sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết; Phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh…

Thanh Hiền

Bệnh viện diễn tập tình huống phát hiện ca nghi mắc đậu mùa khỉÔng N.V.A, 60 tuổi, mới đi du lịch tới quốc gia ghi nhận nhiều ca đậu mùa khỉ, đến khám tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương với các biểu hiện nghi ngờ như sốt 3 ngày, nổi hạch, nổi mụn nước trên da khoảng 0,5cm.
Việt Nam nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống đậu mùa khỉCục Quản lý dược Bộ Y tế ngày 10/8 vừa có công văn gửi các cơ sở về việc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh bệnh này đang có diễn biến phức tạp trên thế giới.