Bệnh thành tích ăn rất sâu vào đầu óc của các phụ huynh, đến mức con đi học ngoại khoá thôi cũng phải đặt các mục tiêu rất kinh khủng.

Nghe cô em quen là giáo viên dạy guitar than phiền mà thấy rầu lòng. Cô ấy bảo, nhiều người dạy nhạc theo kiểu một kèm một bị gia đình các học sinh gây áp lực nhiều lắm. Họ luôn thắc mắc là tại sao sau ngần ấy buổi mà con họ vẫn không đánh được bài này, bài nọ, hoặc học biết bao nhiêu là buổi rồi mà chỉ đánh được một bài. 

{keywords}

Học nghệ thuật không phải để coi đó như một thứ đồ trang sức, mà là để gia tăng khả năng cảm nhận cái đẹp cho trẻ

Cô bảo, bệnh thành tích ăn rất sâu vào đầu óc của các phụ huynh, đến mức đi học ngoại khoá thôi cũng phải đặt các mục tiêu rất kinh khủng mà cũng không mấy quan tâm đến khả năng lĩnh hội nghệ thuật của con cái nông hay sâu, và cảm thụ nghệ thuật đòi hỏi không ít thời gian.

Biết làm sao được, khi bản thân nhiều phụ huynh, khi xác định cho con cái theo học về nghệ thuật đã có những tư tưởng "vị thành tích". Và nhiều khi vì trót khoe với bạn bè, hàng xóm rồi gia đình về việc đứa trẻ có học môn này môn kia (mà con cái của nhà hàng xóm hoặc bạn bè cũng học môn đó), thành ra phải cố đua cho bằng được, mà không hề hiểu rằng, con cái họ học nghệ thuật không phải để coi đó như một thứ công cụ làm đẹp, một thứ đồ trang sức, mà là để gia tăng khả năng cảm nhận cái đẹp cho trẻ. Thế là họ bực bội và cay cú khi trẻ không thể hiện được như họ mong muốn, và rồi họ đổ lỗi lên giáo viên, coi như là họ đã đầu tư nhầm thầy.

Căn bệnh này thực ra khá nặng và xem chừng khó chữa. Mình nhìn đâu cũng thấy. Chẳng hạn người ta luôn đặt ra mục tiêu là sau bao nhiêu buổi thì đứa trẻ sẽ nói tốt ngoại ngữ nào đó, sau bao nhiêu buổi thì đánh được đàn và sau bao nhiêu buổi thì biết bơi, trong khi không hề coi trọng quá trình nhận thức của trẻ dài ngắn thế nào, và độ thẩm thấu kiến thức và kĩ năng đối với các môn đó ra sao. Mà nếu bên dạy hứa hẹn như thế, một phần quan trọng cũng là để đáp ứng sự đòi hỏi của các bậc cha mẹ, rằng trong một thời gian nào đó, con họ phải thành ra thế này, phải giỏi thế kia.

Đứa con, tiếc thay, không phải là cái máy, cũng không phải là đồ trang sức của cha mẹ. Nó có cuộc sống riêng, những khả năng riêng, những ước mơ riêng và những điều nó có thể làm được hoặc không làm được. 

Đừng quan tâm đến cái đích vội, các phụ huynh nóng vội và nông nổi ơi, hãy quan tâm đến con đường đi đến cái đích ấy. Dài hay ngắn, thì cũng rất nhiều kỉ niệm đấy...

Trương Anh Ngọc