Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đang quá tải, bệnh nhân cùng người nhà phải xếp hàng từ ngoài sân chờ đến lượt khám. 
Người nhà bệnh nhân trải chiếu trong khuôn viên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để tiện chăm sóc người bệnh. Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước thải bốc lên nồng nặc. Vào ngày mưa, khu vực sân ngập nước. 
Kho thuốc cũng là phòng tiêm của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới ẩm mốc, vào những ngày mưa còn bị dột nước.
Tại Trung tâm Dị ứng của bệnh viện, hệ thống chiếu sáng không đảm bảo chất lượng, mạng lưới dây điện và cáp viễn thông võng xuống hành lang
Người nhà bệnh nhân trải chiếu ngủ ngay hành lang, do bên trong phòng bệnh quá tải, nhiều người nằm ghép giường.
Phòng dịch vụ Trung tâm Dị ứng với giá thuê 1 triệu đồng/ngày đêm cũng xuống cấp, ẩm mốc, thấm nước sau mỗi trận mưa.
Trung tâm Thần kinh cũng bị quá tải với 300 bệnh nhân nội trú mỗi ngày. Một phòng bệnh nhân có 31 giường nhưng luôn trong tình trạng tiếp nhận con số tới hơn 60, họ phải nằm ghép. 
Kho thuốc, vật tư y tế trung tâm cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ẩm thấp, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trang thiết bị đã hỏng, chưa được thay mới dẫn đến ảnh hưởng đối với công tác khám, chữa bệnh
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thăm khám cho bênh nhân. Dịch sốt xuất huyết đang vào thời cao điểm, bệnh viện luôn trong trình trạng quá tải, bệnh nhân nằm ghép 2 người một giường.

Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện trên cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Sau 2 năm áp dụng, do tác động từ các vụ án... bệnh viện này lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, không thể cải tạo, xây mới, mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ảnh hưởng việc điều trị bệnh nhân.

Bệnh viện Bạch Mai được thành lập năm 1911, là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối tại miền Bắc. Bệnh viện có 4.300 nhân viên, trung bình tiếp nhận 5.000-5.500 bệnh nhân nội trú, 6.000-7.000 bệnh nhân khám một ngày.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 năm qua, bệnh viện chật vật, nhiều khó khăn để duy trì khám chữa bệnh cho người dân. Không nói đến 2 năm dịch bệnh (năm 2020, 2021), ngay cả trong năm 2022, khi số bệnh nhân nội trú, ngoại trú tăng đột biến, nguồn thu cũng rất hạn hẹp, không đủ để chi trả giữ chân người giỏi. Việc đầu tư trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất lại càng không thể.

PGS.TS Đỗ Duy Cường làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới cho biết, tòa nhà xuống cấp, trang thiết bị máy móc, vật tư thiếu thốn khiến bệnh nhân chịu thiệt, còn các bác sĩ gồng sức ra làm. "Do thiếu kit test, một số xét nghiệm thông thường để chẩn đoán ký sinh trùng cũng phải gửi ra ngoài thực hiện". Đang vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Nhiệt đới của bệnh viện luôn trong trình trạng quá tải. Một phòng khoảng 15m2 kê 6 giường, thậm chí phòng điều trị bệnh nhân viêm gan nay phải trưng dụng, nằm ghép với bệnh nhân sốt xuất huyết, không đảm bảo cách ly.