1. Bệnh viện nào lâu đời nhất ở Việt Nam?

  • Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM
Chính xác

Tháng 11/2022, tại lễ kỷ niệm 160 năm thành lập, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã xác lập kỷ lục "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VIETKINGS, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.

Năm 1860, quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm khu đất rộng hơn 5 hecta tại 1 ngôi làng nằm giữa khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, xây dựng thành một bệnh viện mang tên Chợ Quán (ban đầu định lập một trạm cứu thương). 

Ngày 13/2/1861, bệnh viện  bắt đầu mở cửa nhận bện. Ngày 10/2/1862, bệnh viện được đặt dưới sự quản lý, điều hành của Hải quân Pháp và đến ngày 1/1/1864 giao lại cho chính quyền dân sự. Sau đó, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh hoa liễu và người tù bị bệnh.

Trải qua các biến động lịch sử của dân tộc, Nhà thương Chợ Quán nay có tên là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

2. Bệnh viện này do người Hoa xây dựng. Đúng hay sai?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Tại TP.HCM, rất nhiều nhà thương, bệnh viện được người Hoa xây dựng trong quá khứ. Có thể kể đến Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương...

Tuy nhiên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán lại do chính quyền thực dân Pháp xây dựng.

Năm 1860, quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm khu đất rộng ở một ngôi làng nằm giữa khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, cải tạo và xây dựng các bệnh phòng, giường bệnh, hình thành Nhà thương Chợ Quán. 


 

3. Trại giam bên trong bệnh viện này có liên quan đến nhân vật lịch sử nào?

  • Trần Phú
  • Tôn Đức Thắng
  • Lê Hồng Phong
Chính xác

Đây là bệnh viện duy nhất của Việt Nam có một trại giam nằm bên trong khuôn viên. Khu trại giam từng là nơi giam giữ các chiến sĩ như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi...

Ngày 26/8/1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và lâm trọng bệnh, đã được đưa đến khu nhà giam này.

Đến ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú hy sinh sau khi để lại lời nhắn nhủ: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu".

Khu trại giam được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. UBND TPHCM đang gấp rút thực hiện quy trình trùng tu di tích trên, để mở lại đúng dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí Trần Phú trong năm 2024.

4. Hiện nay, bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam điều trị những bệnh lý nào?

  • Bệnh da liễu
  • Bệnh truyền nhiễm
  • Điều trị đa khoa
Chính xác

Từ năm 1862-1875, Bệnh viện Chợ Quán tiếp nhận điều trị người mắc bệnh hoa liễu và người tù bị bệnh. Đến năm 1908, trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần. 

Từ 1954-1957, bệnh viện được giao cho quân đội chính quyền Sài Gòn sử dụng 2/3 cơ sở để làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần. 

Năm 1972, Bệnh viện Chợ Quán được đổi tên thành Trung tâm y khoa Hàn - Việt. Lúc này, bệnh viện có 550 giường, chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi. Khu phẫu thuật gồm 4 phòng.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán. Ngày 4/8/1979, Bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là cơ sở chuyên khoa truyền nhiễm hạng 1, với 10 phòng chức năng, 17 khoa lâm sàng, công suất 550 giường nội trú, 5 khoa cận lâm sàng và gần 800 nhân sự.

Trong cao điểm dịch Covid-19 vào năm 2021, đây là "thành trì" điều trị cuối cùng của TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Hiện tại, đây là bệnh viện duy nhất ở TP.HCM tiếp nhận cách ly và điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. 

5. Bệnh viện này từng phải phong tỏa vì nhân viên y tế mắc căn bệnh nào?

  • Đậu mùa khỉ
  • Covid-19
  • Thương hàn
Chính xác

Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã điều trị thành công ca bệnh 91 là phi công người Scotlen.

Tháng 4/2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 nặng, nguy kịch.

Ngày 11/6/2021, bệnh viện bất ngờ bị phong tỏa sau khi hàng chục nhân viên mắc Covid-19 từ nguồn lây bên ngoài. Toàn bộ nhân viên, lãnh đạo của bệnh viện phải cách ly tại chỗ, không được về nhà. 

Ngày 25/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã ký ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế đối với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

6. Bệnh viện Tâm thần TP.HCM có chung nguồn gốc với bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam. Đúng hay sai?

  • Đúng
  • Sai
Chính xác

Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (cơ sở 1 trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5) và Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đều thuộc Bệnh viện Chợ Quán cũ. 

Thực tế, năm 1901, Bệnh viện Chợ Quán đã có khoa tâm thần và từ năm 1904 là nơi điều trị “bệnh nhân tâm trí”. Năm 1957, bệnh viện có chức năng điều trị bệnh tâm thần, bệnh lây nhiễm và bệnh phong. 

Trải qua nhiều đổi thay của lịch sử, tháng 9/1975, Khoa Tâm thần của Bệnh viện Chợ Quán được chuyển giao về Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ngày nay) và lại được chuyển về Sở Y tế TP.HCM vào năm 1976. 

Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (cơ sở 1) sát bên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, với diện tích khiêm tốn hơn rất nhiều.