1. Bác sĩ nào được bổ nhiệm làm bộ trưởng y tế đầu tiên của Việt Nam từ năm 1945?

  • Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng
  • Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch
  • Tiến sĩ Đặng Hồi Xuân
Chính xác

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch là bộ trưởng y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945 - 1/1946). Đồng thời, ông phụ trách công tác đối ngoại tham gia đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp. Năm 1958, bác sĩ Thạch tiếp tục làm bộ trưởng y tế lần 2 nhiệm kỳ 14/12/1958 - 7/11/1968.

Trong quá trình làm bộ trưởng y tế, Giáo sư Thạch có nhiều giải pháp cải thiện sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh ở các tỉnh miền núi. Bản thân ông không ngừng nghiên cứu khoa học, có những đóng góp lớn cho y tế Việt Nam. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm quyền bộ trưởng y tế từ 7/11/1968 tới 26/3/1969. Sau đó, ông làm bộ trưởng y tế thêm 5 năm cho tới năm 1974. Tiến sĩ Đặng Hồi Xuân làm Bộ trưởng Y tế từ năm 1982 tới 1988. 

2. Quê của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở đâu?

  • Huế
  • Bình Định
  • Lâm Đồng
Chính xác

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mẹ của ông xuất thân dòng dõi quý tộc ở Huế, cha là thầy giáo Phạm Ngọc Thọ. Tuy nhiên, ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được chị gái là Phạm Thị Ngọc Diệp nuôi nấng. Khi 19 tuổi, ông ra học ở Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau đó, ông du học tại Pháp. Khi tốt nghiệp, ông dần thăng tiến làm Giám đốc Bệnh viện Lao vùng núi phía đông nước Pháp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định trở về Việt Nam. 

3. Chuyên ngành chính của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là gì?

  • Lao phổi
  • Tim mạch
  • Răng hàm mặt
Chính xác

Sau khi trở lại Việt Nam, bác sĩ Thạch mở phòng khám riêng tại TP.HCM chuyên điều trị các bệnh về lao phổi. Sự tận tâm với bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo khiến ông được mọi người yêu mến gọi là “anh Tư Thạch”, "đốc-tờ bình dân". 

Sau Hiệp định Genève năm 1954, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương. Ông cũng là Ủy viên Ban Kỹ thuật Hội Bài trừ lao quốc tế.

4. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã giúp đẩy lùi dịch bệnh gì?

  • Bệnh lao
  • Bệnh bại liệt
  • Cả hai
Chính xác

Những năm 1950, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lúc này là Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương, đã nghiên cứu ra vắc xin BCG chết điều trị lao hiệu quả. Ưu điểm của loại vắc xin này là không cần phải bảo quản lạnh, để được lâu, thích hợp cho những vùng không có điều kiện, được đánh giá là phương pháp tối ưu với các nước đang phát triển. Thành tựu của ông được hơn 60 viện nghiên cứu trên 40 nước đề nghị cung cấp tài liệu. 

Trong giai đoạn làm bộ trưởng y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn quan tâm đến công tác tiêm chủng, quyết định dùng vắc xin Sabin để phòng bệnh bại liệt. Việt Nam cũng chủ động sang Liên Xô (trước đây) để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, từ năm 1961, tỷ lệ mắc bệnh bại liệt giảm xuống còn 3 ca trên 100.000 dân. Trước đó, tỷ lệ là 120/100.000 dân. 

5. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lấy vợ người nước nào?

  • Việt Nam
  • Pháp
  • Italy
  • Mỹ
Chính xác

Trong thời gian ở Pháp, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch gặp gỡ và yêu nữ y tá Marie Louise. Năm 1936, bác sĩ Thạch quyết định trở về Việt Nam. Bà Marie quyết định rời Pháp theo người yêu. Họ kết hôn và sống tại Việt Nam một thời gian. Vợ chồng bác sĩ có hai người con Colette Phạm Thị Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định.

6. Trong chuyến đi công tác năm 1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đột ngột qua đời do căn bệnh gì?

  • Sốt xuất huyết
  • Sốt rét
  • Đột quỵ
Chính xác

Ngày 7/11/1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mất tại khu căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi tỉnh Tây Ninh do viêm phúc mạc mật và sốt rét ác tính.

Giáo sư Hồ Đắc Di, lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, bày tỏ: “Tạm biệt chúng tôi, anh hẹn sau chuyến đi nghiên cứu trở về sẽ gặp lại để bàn những yêu cầu cấp bách do những nhiệm vụ mới của cách mạng đề ra. Khi chia tay, hơi nóng nơi bàn tay anh nắm chặt, thắm tình đồng chí còn ấm mãi trong bàn tay tôi... Thế mà giờ đây, anh không còn nữa”. 

Ở Hà Nội, TP.HCM đều có những đường phố, bệnh viện, đại học được tên theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.