Do đó, đẩy mạnh việc cải cách, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội sẽ góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Bước chuyển lớn từ chính sách đến thực tiễn

Các chính sách an sinh xã hội (ASXH) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nhờ đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã đạt được những kết quả quan trong thực hiện chính sách ASXH. Cụ thể:

Chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; đối với cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp hơn.

Bảo hiểm xã hội đa tầng góp phần giảm nghèo bền vững
Bảo hiểm xã hội đa tầng góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh minh họa.

Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách BHXH, BHTN ngày càng rộng mở. Hệ thống ASXH đã có tác động tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho con người, khi bản thân không tự khắc phục được, như thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội...

Bảo hiểm xã hội đa tầng góp phần giảm nghèo bền vững
BHXH ngày càng làm tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy cho người già.

BHXH ngày càng làm tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, đói nghèo...) thông qua các khoản tiền mặt hoặc hiện vật từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ bao phủ và chất lượng dịch vụ BHXH, BHTN còn thấp, Quỹ BHXH chưa bền vững. Nguyên nhân của những hạn chế trên bắt nguồn trước hết từ việc nhận thức về vai trò của ASXH chưa cao, chưa thống nhất, thậm chí coi ASXH đơn thuần là sự cứu trợ, trợ giúp, ưu đãi khiến cho việc huy động nguồn lực cũng như việc xây dựng và vận hành hệ thống ASXH còn thiếu và kém hiệu quả.

Bê cạnh đó, công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội còn nhiều hạn chế. Hiện tượng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng gia tăng...

Linh hoạt truyền thông để thu hút người tham gia

Bởi thế, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT.

Bảo hiểm xã hội đa tầng góp phần giảm nghèo bền vững
Lễ ra quân có chủ đề: “Cả nước chung tay thực hiện BHXH, BHYT toàn dân”.

Vừa mới đây, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam triển khai Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân là nhằm tạo ra một điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, trong các mục tiêu được nêu tại Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH đến năm 2025, 2030 là 100% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền về những nội dung cải cách chính sách BHXH. Trước mắt, cần tập trung truyền thông tới nhóm cán bộ, đảng viên cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó lan tỏa đến người lao động.

Ngoài ra, các cơ quan BHXH phải tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ với các sản phẩm truyền thông có chất lượng về nội dung, hình thức như video clip, mega story, infographics; tiếp tục phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp; phối hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó công nghệ là công cụ để truyền tải, nội dung truyền thông là yếu tố mang tính cốt lõi, không ngừng sáng tạo để có sự đa dạng trong nội dung và hình thức truyền thông.

Diệu Thúy