Trong tháng 11/2023, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã đã tiếp nhận 183.054 hồ sơ điện tử (đạt 89,06% - thống kê theo số lượng người lao động); tiếp nhận và xử lý 4.962 4.872 hồ sơ cấp thẻ BHYT thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; 32 hồ sơ đề nghị thanh toán mai táng phí tại 9/27 huyện, thị xã, thành phố qua Dịch vụ công quốc gia - với tỷ lệ giải quyết đúng hạn 100%... Cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức-phục hồi sức khỏe, hiện tỷ lệ giao dịch bình quân toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 89,8%...
Thông qua việc thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa các hồ sơ, thủ tục và quy trình nghiệp vụ, đã rút ngắn thời gian giải quyết việc đăng ký tham gia và hưởng chế độ BHXH, BHYT cho các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, đảm bảo quyền lợi kịp thời cho đối tượng, việc cấp mới sổ BHXH không quá 5 ngày, cấp mới thẻ BHYT không quá 3 ngày, cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin không quá 1 ngày, trường hợp có thay đổi thông tin không quá 2 ngày, đối với những trường hợp đang điều trị bệnh thực hiện cấp ngay cho đối tượng trong ngày. Hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động được rút ngắn 50% thời gian so với quy định...
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp như: Tăng cường kiểm soát quá trình giải quyết TTHC, thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra việc giải quyết TTHC sai sót, quá hạn; tăng cường trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử… Đồng thời, đã niêm yết công khai TTHC và kết quả giải quyết TTHC, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC. Việc niêm yết công khai các TTHC được thực hiện tại trụ sở BHXH tỉnh và 26 BHXH huyện; cũng như được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH tỉnh, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...
BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai ứng dụng đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật thông tin định danh cá nhân (ĐDCN)/căn cước công dân (CCCD) của người tham gia vào cơ sở dữ liệu (CSDL) do cơ quan BHXH quản lý. Đến nay, đã đồng bộ 3.196.844/3.257.062 hồ sơ người tham gia với CSDL quốc gia về dân cư, đạt 98,15%. Tiếp tục phối hợp triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, hiện đã đồng bộ 3.091.049 thông tin ĐDCN/CCCD với thẻ BHYT còn hiệu lực; đôn đốc rà soát hiệu chỉnh, làm sạch thông tin người tham gia BHXH, BHYT.
Theo đánh giá, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử và sử dụng dịch vụ bưu chính trong công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC đã nâng cao hiệu quả xử lý công việc của CBVC trong đơn vị; cũng như giúp cho các tổ chức, cá nhân giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC về BHXH, BHYT... Đây là một trong các điều kiện quan trọng để cơ quan BHXH ngày càng được đánh giá cao trong cảm nhận của người dân, doanh nghiệp và người lao động, làm cơ sở thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH được BHXH tỉnh Thanh Hóa quan tâm giải quyết. Phòng Tiếp công dân luôn bố trí 2 cán bộ thường trực, mở sổ theo dõi tiếp công dân, ghi chép nội dung công dân đề nghị, phản ánh. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn thực hiện tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị qua các hình thức như: Đường dây nóng; trang fanpage; hòm thư góp ý tại trụ sở cơ quan BHXH...
Thúy Ngà