Có lẽ không nhiều người biết tới cái tên Victor Lustig. Ngoài những đặc điểm nhận dạng như có vết sẹo lồi trên xương gò má trái hay bịa chuyện về việc sinh ra ở thị trấn Hostinné của Séc vào năm 1890, người ta hầu như không có bất kỳ thông tin nào khác về danh tính của người đàn ông bí ẩn này.
Trên thực tế, những đặc điểm mô tả kể trên lại gợi nhắc người ta nhớ đến một cái tên khác là Robert V. Miller, một trong số 47 danh xưng mà người đàn ông trên sử dụng nhiều nhất cho tới khi bị bắt giữ. Tuy nhiên, một điều khiến Victor Lustic trở nên đặc biệt so với tất cả những kẻ lừa đảo khác trong thế giới nghệ thuật thời đó, chính là việc cả gan 'bán' tháp Eiffel tới hai lần.
Những ai từng tiếp xúc với “Bá tước” Victor Lustig đều có chung quan điểm rằng đây là một người đàn ông vô cùng có sức hấp dẫn với người đối diện. Từ phong thái, ánh mắt cho tới cách nói chuyện của Lustig đều vô cùng gần gũi và hàm chứa sự quan tâm mà không phải ai cũng làm được.
Năm 1925, Lustig bằng nét quyến rũ của mình có thể lừa những người đàn ông da trắng giàu có hút xì gà hay những phụ nữ cả tin tới hàng ngàn đô la. Một trong những chiêu trò lừa đảo nổi tiếng nhất của gã này là kể về một chiếc hộp bí mật chỉ in những tờ 100 đô la. Lustig tiếp cận những đối tượng cả tin và bán phát minh 'ảo' trên với giá dao động trong khoảng từ 10.000 đến 30.000 đô la. Để cho thấy tính xác thực của chiếc máy in, gã đã xếp trước vào hộp một vài tờ tiền. Sau khi sản phẩm được bán cho những người mua háo hức nhất, Lustig sẽ bỏ trốn ngay lập tức, không để lại bất kỳ dấu vết gì. Với nhiều âm mưu và thủ đoạn khác, chuyên gia lừa đảo này đã bị cảnh sát bắt giữ hơn 40 lần trên khắp các tiểu bang Mỹ và nhiều quốc gia khác nhau.
Càng về sau, những phi vụ lừa đảo của Lustig càng lớn hơn. Trong thời gian gã siêu lừa này ở Paris, chính phủ Pháp đã đưa ra thông báo về sự cần thiết phải sửa chữa công trình biểu tượng của thành phố, tháp Eiffel. Dư luận ngay lập tức chia rẽ về vấn đề này, một số ủng hộ việc sửa chữa trong khi những người khác bỏ phiếu phản đối.
Nắm bắt được thời cơ, Victor Lustic lúc này tự xưng là phó Tổng giám đốc của Ministère de Postes et Télégraphes, một cơ quan của chính phủ đang tìm kiếm những đại lý buôn bán phế liệu ở Paris. Lustic đã gửi một bức thư đến năm đại lý lớn trong thành phố lúc bấy giờ và hẹn gặp họ tại khách sạn Hotel de Crillon để thảo luận về một lời đề nghị béo bở.
Trong căn phòng của một trong những khách sạn sang trọng nhất Paris, gã lừa đảo tiết lộ với những người có mặt rằng chính phủ đã quyết định phá bỏ tháp Eiffel và 7.000 tấn phế liệu từ đây sẽ được bán cho người trả giá cao nhất. Theo Lustic, động thái này là hợp lý, vì Alexander Dumas cũng đã gọi tháp Eiffel là một "công trình đáng ghét" và được xây dựng như một mái vòm cho Hội chợ Thế giới 1889, không có lý do gì lại tồn tại lâu tới như vậy.
Ngay cả khi, năm đại lý đều đang bị cuốn vào vòng xoáy câu chuyện lừa đảo này thì Lustic đã nhận ra đâu là 'con mồi' chính của mình. Đó là Andre Poisson, một người mới trong ngành, được Lustic đặc biệt tiếp cận riêng. Sau khi bị thuyết phục bởi đủ thứ câu chuyện 'trên trời dưới biển' của gã lừa đảo, Poisson đã thắng tay chi tới 70.000 đô la để 'lót tay' cho thương vụ khổng lồ trên.
Ngay khi Poisson biết không có việc tháp Eiffel bị phá hủy và đã bị lừa thì cũng là lúc Lustic đã băng qua biên giới nước Pháp và cao chạy xa bay tìm kiếm những 'con mồi' tiếp theo. Sau đó, cũng chẳng có bất cứ thông tin về vụ lừa đảo này nên Lustic nghĩ mình đủ an toàn để diễn lại màn kịch trên một lần nữa. Tuy nhiên, lần này nạn nhân đã đến trình báo với cảnh sát về việc bị lừa mua phế liệu từ tháp Eiffel. Tin tức này trở nên nóng hổi ở cả nước Mỹ, nơi Lustic đang ung dung với cuộc sống xa hoa.
Sau hai thương vụ lừa bán tháp Eiffel thành công, Lustic quay về 'ngón nghề' cũ là lừa bán máy in tiền. Tên này tiếp tục lừa đảo nhiều người dân, thậm chí cả các sĩ quan, quân nhân, quan chức cấp cao hay doanh nhân giàu có. Một trong số đó phải kể tới là Al Capone, một trong những ông trùm mafia khét tiếng nhất của Chicago vào thời điểm đó. Sau đó, Lustic hợp tác với một nhà hóa học tên là Tom Shaw để mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng bao lâu sau, bộ đôi này đã thu về 100.000 đô la mỗi tháng và chuyển tiền đi khắp nơi để tẩu tán nhưng vẫn không thể qua mắt lực lượng chức năng.
Tới năm 1935, bạn gái của Lustic đã tiết lộ vị trí của gã này cho các đặc vụ liên bang trong một cuộc gọi nặc danh vì bị phản bội. Tên siêu lừa cuối cùng cũng bị bắt và nhận bản án 20 năm tù giam ở Alcatraz cho tất cả các tội danh trên.
Sau tất cả, ngày nay, tháp Eiffel vẫn là một trong những công trình biểu tượng thu hút mọi du khách mỗi khi có cơ hội đặt chân tới thủ đô của nước Pháp.
Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét (Tour de 300 mètres), công trình này do kỹ sư Gustave Eiffel và các đồng nghiệp của mình thiết kế và xây dựng từ năm 1887 tới năm 1889 nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889, và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.
Chiều cao nguyên bản của công trình là 300 mét nếu theo đúng thiết kế, nhưng cột ăng ten radio kỹ thuật số mới trên đỉnh đã giúp tháp Eiffel đạt tới độ cao 330 mét. Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Ngay từ đầu, ngoài chức năng để du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích của ngành khoa học. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris.
Trở thành biểu tượng của "kinh đô ánh sáng", tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách viếng thăm. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vững vị trí công trình thu phí hút khách du lịch nhất trên thế giới.
Đỗ An (Tổng hợp)