Thời gian gần đây, tại nhiều địa bàn trên cả nước, các thương lái lùng sục, ồ ạt thu mua cam, cau non để bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc các thương lái này thu mua các sản phẩm nông sản non như vậy để làm gì vẫn còn là một điều bí ẩn.
Bởi lẽ, ngay cả những người thu mua cũng không biết khi sang Trung Quốc, mặt hàng này được sử dụng như thế nào, sử dụng với mục đích gì.
Cam non sắt miếng bán sang Trung Quốc
Gần đây nhiều thương lái đến các tỉnh ở vùng ĐBSCL như Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp,... thu mua cam non còn tươi với giá 2.000 đồng/kg và khoảng 12.000 đồng/kg với cam xắt miếng phơi khô.
Theo chủ đại lý thu mua cam non N.M (ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), do thương lái ồ ạt đi mua nên giá cam non tăng cao.
Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Mỗi ngày, đại lý N.M cũng bán gần 2 tấn cam non. Chủ đại lý N.M thừa nhận việc thương lái mua cam non là để xuất sang Trung Quốc, còn phía Trung Quốc sử dụng hàng này như thế nào thì không ai rõ.
Một số người thì cho biết, sản phẩm này được đem làm nhang muỗi, trần bì trong thuốc bắc, xuất sang Trung Quốc
Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, khẳng định: “Việc người dân bán cam non tại huyện đã diễn ra từ lâu…
Còn việc họ bán cam non cho ai thì tôi không rõ. Thường cam non xắt phơi khô dùng để làm thuốc".
Thương lái lùng sục mua cau non bất thường
Từ đầu tháng 5, thương lái miền Tây lùng sục khắp nơi thu gom cau non với giá cao ngất ngưởng.
Đặc biệt, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) trở thành điểm tập kết cau non từ nhiều địa phương chuyển về.
Cau non được các thương lái thu mua với mức giá 40.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi giá cau già chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Vì giá cao nên nhiều người dân sẵn sàng đốn buồng cau non để bán.
Nhiều nông dân ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền thông tin: “Thương lái đang lùng sục mua cau non từ ấp này sang ấp nọ...
Tuy nhiên, việc thu mua này rất lạ vì cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó có thể sản xuất ra sản phẩm gì; cau già thì khác, có thể dùng để ăn với lá trầu, vôi, làm ra màu... ”.
Ông Nguyễn Lạc - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Phong Điền cho biết: Một số thương lái nói họ mua cau non về bán lại cho người dân ăn.
Tuy nhiên, ông Lạc cũng khẳng định, lâu nay chưa từng nghe chuyện ăn cau non thay cho cau già.
Còn ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết, “việc mua cau non là bất thường, cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nếu biết họ mua để làm gì, đưa đi đâu tiêu thụ thì mới yên tâm cho dân bán”.
Mua hoa thanh long chưa nở không biết để làm gì
Nửa tháng nay, tại địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Long An) và huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều thương lái đến thu mua hoa thanh long để cung ứng cho thị trường Trung Quốc.
Chủ của một địa điểm thu mua hoa thanh long tại Tiền Giang cho biết, cơ sở này chọn mua chưa nở (dạng nụ) với giá từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg, để bán lại thu lợi 1.000 đồng/kg.
Hình minh họa (Nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, người này cũng không biết hoa thanh long dùng để làm gì, chỉ biết đầu ra cuối cùng là bán cho thương lái Trung Quốc.
Tại một xưởng sấy hoa thanh long ở Trà Vinh, chủ xưởng cho biết, mua hoa thanh long là dùng để pha trộn với một số loại trà cao cấp, vì hoa thanh long sau khi sấy có mùi thơm ngọt đặc trưng.
Ngoài ra, hoa thanh long được thay thế cho rau trong những bữa ăn ở Trung Quốc.
Trước tình trạng thu gom nông sản một cách bất thường của thương lái, các đơn vị chức năng của các địa phương đang diễn ra tình trạng trên đã có những khuyến cáo cho người dân.
Người dân cũng không nên vì ham lợi trước mắt mà tận thu các loại nông sản, sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng cũng như có thể vô tình “ôm trái đắng” nếu thương lái “quất ngựa truy phong”.
̣̣̣̣Theo Trí Thức Trẻ