Nikkei Asian Review dẫn lời một nhà đầu tư Trung Quốc tại ByteDance - công ty mẹ của TikTok - nhận định nhà sáng lập TikTok Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mạng xã hội tăng trưởng nhanh nhất thế giới với hơn 2 tỷ lượt tải đối mặt với lệnh cấm từ rất nhiều quốc gia vì nghi vấn xâm phạm quyền riêng tư.
Tại Mỹ, TikTok đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng. "Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ là thử thách cực lớn với TikTok. Đảng Dân chủ và Cộng hòa có quan điểm chung về việc cấm vận các công ty Trung Quốc. Sau ZTE và Huawei, TikTok sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp", nhà đầu tư ở ByteDance dự báo.
Đầu tháng 6, cơ quan bảo vệ dữ liệu Liên minh châu Âu (EU) lập một nhóm điều tra hành vi xử lý dữ liệu và quyền riêng tư của TikTok. Ấn Độ đã cấm cửa TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác. Quốc gia Nam Á là thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok với hơn 200 triệu người dùng.
TikTok đã bị chính quyền Ấn Độ cấm cửa. Ảnh: NYT. |
Không ai còn dám mua cổ phiếu TikTok
Sau đó, Mỹ - thị trường nước ngoài lớn thứ hai với 70 triệu người dùng - cũng đe dọa cấm cửa TikTok. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, bao gồm TikTok. Ông nhấn mạnh Washington phải bảo vệ an ninh quốc gia và ngăn chặn nguy cơ thông tin cá nhân của công dân Mỹ rơi vào tay Trung Quốc.
Trong 3 năm qua, TikTok phát triển bùng nổ. Phiên bản quốc tế của TikTok không chỉ nhắm vào người Trung Quốc sống ở nước ngoài, mà cả cư dân bản địa nhiều quốc gia. Từ năm 2019, TikTok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu.
Nhà sáng lập Trương Nhất Minh dành 6 tháng trong năm 2019 để cải thiện quan hệ với chính phủ Mỹ. TikTok cũng địa phương hóa hoạt động tại Mỹ. Cơ cấu và nhân sự TikTok tại Mỹ được tách khỏi công ty mẹ ByteDance. Hiện ông Trương không thể đến Mỹ do dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài của TikTok như KKR và General Atlantic đã chủ động vận động hành lang cho công ty này.
Không ai dám mua cổ phiếu TikTok ở thời điểm này. Ảnh: Business Insider. |
Theo Nikkei, các nhà đầu tư của TikTok đang lo ngại. Năm 2019, TikTok và phiên bản Trung Quốc Douyin đóng góp tới 8,58-10 tỷ USD (tương đương hơn 50%) vào tổng doanh thu của ByteDance. Trong vòng gọi vốn năm 2018, ByteDance huy động được 3 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm SoftBank Group, KKR và General Atlantic.
Nhờ đó, TikTok đạt định giá 75 tỷ USD. Hiện định giá của công ty đã tăng ít nhất 30% lên hơn 100 tỷ USD. Dù vậy, các nhà đầu tư nói đó chỉ là con số trên giấy, bởi không ai dám mua cổ phiếu TikTok ở thời điểm này. Do bị Mỹ dọa cấm cửa, TikTok không có ý định phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).
Ông Trump sẽ "hành động mạnh tay"
Không giống CEO Huawei Nhậm Chính Phi, ông Trương là người kín đáo, ít khi xuất hiện trên truyền thông. Các giám đốc và nhân viên TikTok cũng hạn chế trao đổi với báo chí. Hồi tháng 5, ông Trương đưa cựu Chủ tịch Disney Kevin Mayer (một người Mỹ) lên làm CEO TikTok, đồng thời tuyển dụng một đội ngũ điều hành phương Tây.
Tháng trước, TikTok cũng tuyển cựu quản lý Google Lee Hunter làm giám đốc văn phòng Australia. Các nhân sự người Trung Quốc ở nước ngoài cũng được thay thế bằng người địa phương. Nguồn tin Tài Kinh tiết lộ ông Trương cũng tính di dời trụ sở hoạt động quốc tế của TikTok tới London (Anh), Singapore hoặc Dublin (Ireland).
Hồi đầu tháng này, TikTok công bố đưa trách nhiệm bảo vệ dữ liệu người dùng châu Âu tới các chi nhánh của hãng ở Ireland và Anh. Công ty cũng mở một trung tâm minh bạch nội dung tại Los Angeles (Mỹ). Đây là nỗ lực nhằm thuyết phục Mỹ rằng chính quyền Bắc Kinh không can thiệp vào hoạt động xử lý dữ liệu người dùng của TikTok.
CEO TikTok Kevin Mayer. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những nỗ lực này sẽ không đem lại kết quả, bởi sự quan ngại của Mỹ là rất lớn. Tuần trước, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro gọi CEO TikTok Mayer là "con rối" và khẳng định chiêu bài đưa công dân Mỹ lên làm giám đốc của TikTok "sẽ không lừa được ai".
Ông Navarro khẳng định Tổng thống Trump sẽ "hành động mạnh tay" với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác. Do đó, số phận của TikTok sẽ không khác gì Huawei.
(Theo Zing)