Ngày 18/3, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận ông H.H.R trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng nửa bàn chân trái hoại tử tím đen, chảy dịch, bốc mùi hôi thối.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nay. Trong 5 tháng qua, ông R. có biểu hiện tê, đau bàn chân. Cơn đau tăng nhiều khi vận động. Sau đó, các đầu ngón chân tím, mất cảm giác, chảy dịch đục và bốc mùi hôi thối. Bệnh nhân đã tự dùng thuốc và thay băng tại nhà nhưng tình trạng không đỡ nên mới vào viện khám.
Bác sĩ Ngô Đức Lộc, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí - cho biết, bệnh nhân nhiễm trùng hoại tử bàn chân do hẹp tắc mạch chi dưới trên nền bệnh lý đái tháo đường loại 2. Nhận thấy tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn, bác sĩ chỉ định tháo bỏ nửa bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Bác sĩ Lộc cho biết, hoại tử bàn chân ở người mắc đái tháo đường là biến chứng rất thường gặp. Ở các bệnh nhân đái tháo đường, mức đường huyết cao thường xuyên có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng mất cảm giác, đặc biệt là ở ngón và bàn chân.
Ngoài ra, mắc bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân khiến các vết loét lâu lành. Nếu tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể hoại tử toàn bộ. Vết thương không được xử trí đúng cách thì việc buộc phải tháo bỏ các đốt ngón chân, ngón tay, cắt bàn chân để tránh nhiễm trùng lan rộng là không thể tránh khỏi.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không nên chủ quan với bất kỳ thay đổi nào của cơ thể. Nên điều trị và theo dõi khám định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.